(HTV) - Dù được đánh giá là điểm sáng trong xuất khẩu nhưng thời gian qua vẫn có nhiều mặt hàng nông sản rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá, khó tiêu thụ.
Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, vùng trồng, đặc biệt là thiếu liên kết chuỗi giá trị đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Nếu giải quyết được vấn đề này, hiệu quả của ngành nông nghiệp sẽ được cải thiện rõ rệt.
Vấn đề thiếu liên kết chuỗi giá trị đã gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp
Năm 2023 là giai đoạn khó khăn của ngành hồ tiêu Việt Nam. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, qua khảo sát trên một số hộ nông dân trồng hồ tiêu ở các địa phương thì hầu hết bà con không có kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích do lợi nhuận thời gian qua liên tục giảm. Chính vì vậy, cây hồ tiêu hiện rất khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng. Hiện tại, lợi nhuận của cây hồ tiêu thấp hơn nhiều so với sầu riêng, tính trên cùng đơn vị diện tích.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp Hội Hồ Tiêu Việt Nam cho biết, cây tiêu đang bị cạnh tranh rất khốc liệt với cây cà phê, cây hồi, cây sầu riêng, cây bơ,cây chanh leo, đó là cũng một yếu tố làm cho bà con bây giờ đang phân tâm về chuyện cam kết lâu dài.
Cây tiêu hiện đang bị cạnh tranh rất khốc liệt với các loại cây khác
Câu chuyện của ngành hồ tiêu một lần nữa đặt ra vấn đề về liên kết ngành hàng. Hiện cả nước mới có khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng. Thậm chí trong số 20% này không phải chuỗi nào cũng bền vững. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản chủ yếu là hàng thô và sơ chế, chiếm đến 60%, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này chỉ 2%. Việc trồng cây theo phong trào, không theo quy hoạch, vùng trồng và mối liên kết lỏng lẻo giữa các nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) là những nguyên chính dẫn của tình trạng giá cao ngất ngưởng hoặc giá rớt xuống đáy, và cả tình trạng bể kèo, bỏ cọc.
Theo các chuyên gia, cần phải nhận thức đầy đủ về vai trò của doanh nghiệp, là đầu tàu dẫn dắt chuỗi liên kết,vì vậy nhà nước cần có thêm chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Song song với đó, phải xây dựng hạ tầng kho bãi, chế biến sâu để giảm tỷ lệ hư tổn nông sản và thuận tiện trong quá trình vận chuyển.
Cần có thêm chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nông dân, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao
GS.TS Đỗ Kim Chung, Giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, về mặt khu vực công cần có hoạch định rõ ràng, lớn để hình thành các vùng chiến lược. trên cơ sở đó thì mới tập trung đầu tư công cho việc phát triển sản xuất này. Đầu tư ở đây là những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không làm được, ví dụ như đường xá, thủy lợi,.. tiếp theo cần hình thành, phát triển liên kết nông dân lại, phải có những cơ chế, chính sách để thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn.
Thời gian tới các hiệp hội, địa phương cần đẩy mạnh triển khai đề án phát triển 15.000 hợp tác xã theo quyết định số 461 của Chính phủ; phấn đầu đưa các hợp tác xã này trở thành hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp, tạo thành hệ thống đồng trục cho gần 9 triệu hộ nông dân. Điều này sẽ tạo ra các chuỗi giá trị ngành hàng đủ lớn, giúp nông sản Việt có sức cạnh tranh trên thị trường. Quan trọng hơn là bà con sẽ sống được với những mảnh ruộng của chính mình.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9