(HTV) - Theo thống kê, mỗi ngày, TP.HCM thải ra khoảng 10.000 tấn rác thải, 70% số rác đó được xử lý theo phương pháp chôn lấp, dễ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên.
Để giải quyết vấn đề rác thải, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp CLB Các nhà khoa học trẻ Thành phố tổ chức "Hội thảo giới thiệu giải pháp xử lý rác thải hữu cơ làm thức ăn cho trùn quế" nhằm hạn chế ô nhiễm, nâng cao giá trị kinh tế.
Hội thảo giới thiệu giải pháp xử lý rác thải hữu cơ làm thức ăn cho trùn quế
Nuôi trùn quế là phương pháp xử lý rác thải hữu cơ tốn ít chi phí, dễ thực hiện, được các nhà nông đưa vào mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhiều năm nay. Theo các chuyên gia, nếu phương pháp này được ứng dụng để xử lý rác thải tại các khu đô thị lớn như TP.HCM sẽ giảm được áp lực cho các nhà máy xử lý rác và mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Người dân tiến hành phân loại rác tại gia đình
Ông Kiều Văn Giỏi - Nhà sáng chế mô hình phân trùn quế: “Đầu tiên, chúng ta cần phân loại rác thải từ nguồn. Rác thải hữu cơ có thể được phân loại và gom lại, sau đó đưa vào máy xay nhuyễn, ủ men trong vòng 5-7 ngày để đạt độ chín cần thiết, sau đó chúng ta có thể cho trùn quế ăn. Gia đình nào cũng có thể thực hiện được quy trình này”.
Ông Kiều Văn Giỏi - Nhà sáng chế mô hình phân trùn quế
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trí - Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Ban Chủ nhiệm CLB các nhà khoa học trẻ TP.HCM: “Nếu ứng dụng được thì mô hình này sẽ mang lại 2 lợi ích là làm ra những sản phẩm như thịt trùn thì có giá trị trong chăn nuôi và phân trùn dùng cho nông nghiệp hữu cơ. Thứ hai là lợi ích mang lại cho môi trường. Nếu chúng ta chủ động phân loại rác thải tại nguồn để nuôi trùn thì có thể giảm được lượng rác thải hữu cơ tại các nhà máy tập trung xử lý rác."
Dù được nghiên cứu và triển khai trong ngành nông nghiệp gần 20 năm nay, nhưng để đưa mô hình này vào quá trình xử lý rác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, vốn đầu tư và cơ chế, chính sách vẫn còn là thách thức. “Để đưa mô hình này vào thực tế tại TP.HCM thì Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, kế hoạch rõ ràng và phải có mô hình trọng điểm thí điểm để lan tỏa đến người dân, doanh nghiệp biết đến và tham gia” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trí chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trí - Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM
Chuyên gia cũng cho rằng, để triển khai hiệu quả mô hình này, cần tuyên truyền và giáo dục sâu rộng đến người dân, đặc biệt là các trường học. Nâng cao ý thức phân loại rác của công dân ngay từ nhỏ để tiến đến một đô thị xanh, sạch, phát triển bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9