LongForm: CEO Telegram bị truy tố, dấy lên lo ngại về kiểm duyệt nội dung mạng xã hội

ĐẠT NGUYỄN - NGUYÊN VŨ - XUÂN AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/9/2024, 09:00

(HTV) - CEO của ứng dụng nhắn tin Telegram, Pavel Durov, bị bắt tại Pháp hôm 24/8, khơi lên nhiều tranh cãi xoay quanh quy tắc kiểm duyệt mạng xã hội cũng như sự an toàn của dữ liệu người dùng.

Nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Telegram Pavel Durov phát biểu tại Đại hội di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha vào năm 2016.Nguồn ảnh: Reuters

CEO đồng thời là nhà sáng lập Telegram bị bắt tối 24/8 giờ địa phương, khi vừa đáp xuống sân bay Paris-Le Bourget, ngoại ô thủ đô Pháp.  Đến ngày 28/8, lệnh tạm giam ông Pavel Durov kết thúc, nhưng ông bắt buộc phải ở lại Pháp cho đến khi cuộc điều tra kết thúc và phải trình diện tại đồn cảnh sát hai lần một tuần. 

Dù được tại ngoại, ông Durov phải trả số tiền bảo lãnh lên đến 5 triệu euro và đối mặt nhiều tội danh liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên ứng dụng Telegram. Công tố viên Pháp Laure Beccuau cho biết thẩm phán thấy có căn cứ tiến hành điều tra ông Durov về tất cả các cáo buộc dẫn đến việc ông bị bắt.

Các cáo buộc gồm tội đồng lõa trong điều hành nền tảng trực tuyến được nhiều băng nhóm tội phạm sử dụng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Đây là một cáo buộc mà tòa án lưu ý sẽ có mức án tối đa là 10 năm tù.

Các tội danh còn lại bao gồm hỗ trợ gian lận, rửa tiền, phân phối ma túy và nội dung khiêu dâm trẻ em, cũng như từ chối cung cấp dữ liệu người dùng để phục vụ các cuộc điều tra của cơ quan thực thi pháp luật.

AFP dẫn một nguồn tin thân cận với vụ án, cho biết Pavel Durov và anh trai Nikolai, đều là người đồng sáng lập Telegram vào năm 2013, là đối tượng của một lệnh khám xét do ngành tư pháp Pháp ban hành từ tháng 3 qua, trong khuôn khổ cuộc điều tra sơ bộ.

Pavel Durov (trái) cùng anh trai Nikolai đồng sáng lập Telegram vào năm 2013. Nguồn ảnh: Internet

Dù bị điều tra tại Pháp nhưng điều này không có nghĩa là ông Durov có tội, hoặc nhất thiết phải bị xét xử. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc bị gác lại.

Pavel Durov sinh ra ở Saint Petersburg, sáng lập Telegram vào năm 2013 và được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của nước Nga", trước khi rời nước này năm 2014 để định cư ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Telegram cho hay ông có quốc tịch Pháp và UAE, không còn giữ quốc tịch Nga. Forbes ước tính CEO Telegram sở hữu khối tài sản khoảng 15,5 tỷ USD. 

Việc bắt giữ ông Durov đã gây nên nhiều phản ứng, khi nó tác động đến việc các nền tảng mạng xã hội sẽ phải tuân thủ quy tắc về kiểm duyệt như thế nào trong thời gian tới. Nhiều người lo ngại hành động của Pháp sẽ thúc đẩy các chính phủ truy tố chủ sở hữu nền tảng và CEO công nghệ, nếu họ không đồng ý giao nộp dữ liệu người dùng.

Trong bài đăng trên mạng xã hội hôm 26/8, Telegram cho rằng "thật vô lý" khi họ phải chịu trách nhiệm về việc bị lạm dụng. Nền tảng này đồng thời khẳng định tuân thủ luật pháp châu Âu, và việc kiểm duyệt "nằm trong tiêu chuẩn của ngành".

Nhiều quan chức, nghị sĩ Nga lên tiếng ủng hộ CEO Telegram, nói rằng ông Durov bị Pháp bắt vì "mục đích chính trị" của phương Tây. 

Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, nhắc lại chuyện "26 tổ chức phi chính phủ của phương Tây hồi năm 2018 từng lên án phán quyết chặn Telegram do tòa án Nga đưa ra", và đặt câu hỏi về phản ứng của những tổ chức này trước vụ việc hiện tại.

Trong khi đó, trên mạng xã hội X, Tỷ phú Elon Musk hôm 25/8 đăng dòng tweet mỉa mai "Bây giờ là năm 2030 và ở châu Âu, bạn đang bị xét xử vì thích một meme". Ông cũng phản đối quan điểm và cách xử lý của châu Âu.

Đoạn tweet của tỷ phú, chủ sở hữu mạng xã hội X, Elon Musk nói về việc CEO Telegram bị bắt tại Pháp. Nguồn ảnh: Mạng xã hội X

Còn cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), Edward Snowden, gọi đây là "cuộc tấn công vào quyền cơ bản của con người về ngôn luận". Ông Snowden từng gây chấn động thế giới năm 2013 khi tiết lộ NSA bí mật do thám, nghe lén, theo dõi email và hoạt động Internet của các lãnh đạo, người dân tại Mỹ, châu Âu và châu Á.

Tờ Washington Post thì dẫn lời nhà nghiên cứu thuộc Đại học Toronto, John Scott-Railton, cho rằng "đây thực sự là tiền lệ đáng sợ khi chứng kiến một CEO bị bắt vì nội dung người dùng chia sẻ".

Trên mạng xã hội, nhiều người coi hành động bắt CEO Telegram là sự can thiệp quá mức của chính phủ. Năm 2022, EU thông qua Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, từng yêu cầu Telegram triển khai các tiêu chuẩn minh bạch, chủ động kiểm duyệt nội dung gây hại và bất hợp pháp.

Mặc dù vậy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam đoan việc bắt giữ ông Pavel Durov "không phải là một quyết định chính trị" mà là "một cuộc điều tra tư pháp", đồng thời nói thêm rằng Pháp "cam kết tự do ngôn luận và truyền thông".

Một số người cũng cho rằng sẽ sai lầm khi suy diễn quá nhiều từ vụ bắt giữ. Bởi các nội dung phạm tội như lạm dụng tình dục trẻ em, khủng bố và buôn bán ma túy đều có quy định trong các bộ luật hình sự, và không miễn trừ bất kỳ nền tảng nào.

Telegram được Pavel Durov cùng với anh trai Nikolai ra mắt vào năm 2013, đặt trụ sở chính ở Dubai. Dịch vụ nhắn tin trực tuyến tự định vị ngược lại xu hướng của các nền tảng của Mỹ, vốn bị chỉ trích khi khai thác thương mại dữ liệu cá nhân.

Telegram nổi tiếng về mã hóa đầu cuối (tức chỉ những người liên lạc với nhau mới có thể đọc được tin nhắn) và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được một bộ phận người dùng yêu thích.

Rồi sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina vào năm 2022, Telegram trở thành nền tảng chính để cả 2 bên đăng tải nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan, khiến ứng dụng càng phổ biến hơn.

Tuy nhiên, cũng nhờ những ưu điểm của mình mà Telegram càng trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan. Theo các chuyên gia, tội phạm mạng chọn Telegram nhờ 3 yếu tố gồm tính phổ biến, cảm giác an toàn, và khả năng tìm kiếm dễ dàng. Nó cho phép bất cứ ai cũng có thể truy cập chỉ qua thao tác tải phần mềm hay thậm chí trên chính trình duyệt web thông thường.

Trong một báo cáo hồi tháng 7, hãng bảo mật Kaspersky đánh giá "tội phạm mạng ngày càng sử dụng Telegram như một nền tảng cho các hoạt động thị trường ngầm". Thống kê của Kaspersky cho thấy bài đăng về những dịch vụ vốn bị cấm từ dữ liệu cá nhân, phim ảnh khiêu dâm, dịch vụ tấn công mạng, thậm chí cả vũ khí, ma túy... trên nền tảng này trong tháng 5-6 vừa qua tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Telegram được yêu thích nhờ tính bảo mật, nhưng cũng bị biến thành môi trường hoạt động lý tưởng cho các băng nhóm tội phạm. Nguồn ảnh: Internet

Hồi tháng 4, ông Pavel Durov từng cho biết đã bị một số chính phủ gây sức ép, nhưng tỷ phú khẳng định ứng dụng vẫn sẽ duy trì là "nền tảng trung lập" chứ không phải "công cụ địa chính trị". Để duy trì việc hoạt động độc lập, CEO Telegram tìm thêm nguồn tiền từ việc gọi đầu tư đổi bằng trái phiếu, dự định IPO, đồng thời bán quảng cáo. Ngoài ra, Telegram cũng đang phát triển một loại tiền số có thể dùng cho các giao dịch hoặc để mua bán quảng cáo trên nền tảng, chia sẻ doanh thu cho người dùng. 

Lượt tải của Telegram trên toàn cầu tăng mạnh sau vụ nhà sáng lập bị bắt tại Pháp. Ứng dụng này hiện có hơn 950 triệu người dùng, là một trong những nền tảng nhắn tin được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, và đặt mục tiêu vượt qua con số 1 tỷ người dùng trong năm nay. 

Ý kiến của bạn: