(HTV) - Thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM đã có sự gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trên cả nước thông qua chương trình liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
Là một trong những doanh nghiệp chủ lực của TP.HCM, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên (SATRA) luôn hưởng ứng và đồng hành cùng chương trình liên kết vùng từ năm 2012 đến nay.
Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Phân phối SATRA
Ông Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Phân phối SATRA, cho biết: thông qua hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đơn vị bán lẻ có cơ hội khai thác đa dạng nguồn hàng, ưu tiên lựa chọn để có những sản phẩm đặc trưng, đặc thù với giá cả và chất lượng ổn định. Điều này cũng rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong ngành bán lẻ tham gia bình ổn thị trường như SATRA.
Sản phẩm OCOP, sản phẩm được chứng nhận nhãn hàng xanh, sản phẩm đặc trưng vùng miền được ưu tiên trưng bày tại hệ thống của SATRA
Kết nối và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền là một trong những điểm sáng minh chứng cho hiệu quả từ liên kết vùng mang lại. Doanh thu trong 8 tháng đầu năm 2024 của các sản phẩm OCOP tại hệ thống của SATRA đạt hơn 4,6 tỷ đồng, bước đầu nhận được nhiều đánh giá cao về chất lượng cũng như giá trị của các sản phẩm này từ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các hệ thống bán lẻ cũng gặp một số trở ngại nhất định như: nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp tại các tỉnh thành trong vùng liên kết có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm tốt nhưng bao bì còn chưa phù hợp tiêu chuẩn nhãn hiệu; năng lực sản xuất còn thấp cũng là một bất lợi vì chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.HCM. Các nhà sản xuất hay hợp tác xã này cũng chưa tổ chức được kênh bán hàng, cũng như chưa xây dựng được hệ thống logistics giao hàng đến các điểm bán của các nhà phân phối trên địa bàn TP.HCM, khiến nguồn cung dễ bị đứt gãy cục bộ hoặc sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao khi đến tay người tiêu dùng.
Sản phẩm nông nghiệp xanh
Cùng với đó, người tiêu dùng vẫn chưa quen và chưa biết nhiều, hiểu rõ về sản phẩm OCOP, nên chưa phân biệt và chấp nhận giá các sản phẩm này nhỉnh hơn so với các sản phẩm cùng loại. Các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP cũng chưa nắm rõ thông tin, nên thường không chuẩn bị đủ hồ sơ liên quan đến sản phẩm khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Một số công ty, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất quy mô hoạt động còn nhỏ, năng lực cung ứng còn thấp nên gặp khó trong việc ổn định lượng hàng cung cấp. Các sản phẩm OCOP chưa có đầu tư nghiên cứu hình thức để thu hút người tiêu dùng.
Trung tâm phân phối SATRA
Để tháo gỡ các khó khăn này, đại diện SATRA đề xuất các tỉnh/thành cần có những doanh nghiệp thương mại làm đầu mối tập trung các sản phẩm OCOP để kết nối với các nhà phân phối, các nhà bán lẻ trên địa bàn TP.HCM, nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí logistics trong lưu thông hàng hóa từ các tỉnh/thành về TP.HCM, đồng thời tận dụng kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp trong trao đổi đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối bán lẻ trên địa bàn TP.HCM. Đi cùng với đó, hệ thống bán lẻ cũng sẽ đưa ra nhiều giải pháp để đồng hành với nhà cung cấp.
Bằng những nỗ lực đưa các sản phẩm liên kết vùng, hệ thống bán lẻ kỳ vọng có thể thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, khách hàng đều ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại địa phương làm ra, góp phần chung tay để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự thiết thực và hiệu quả.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9