LongFORM: Mỹ - Châu Âu rạn nứt sâu sắc, NATO đứng trước nguy cơ tan rã

MAI LAN - HUY PHONG - HOÀNG TÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/3/2025, 09:00

(HTV) - Rạn nứt trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Sự chia rẽ này được phơi bày qua một loạt diễn biến dồn dập mới đây, gợi lên những câu hỏi nghiêm trọng về khả năng tồn tại của liên minh giữa 2 bờ Đại Tây Dương.

Ngày 24/2, đúng vào ngày kỷ niệm 3 năm xung đột Nga - Ukraine, Ukraine đã đệ trình một dự thảo nghị quyết tại Đại Hội đồng LHQ, trong đó  yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mariana Betsa đọc diễn văn tại Phiên họp Đặc biệt Khẩn cấp lần thứ 11 của Đại Hội Đồng LHQ về Ukraine. Nguồn ảnh: UN Photo/Manuel Elías.

Nga đương nhiên bác bỏ những cáo buộc của phía Ukraine, đồng thời đề xuất đưa vào dự thảo nghị quyết những điều mà Nga cho là nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, trong đó có mong muốn của Ukraine gia nhập NATO. Trong khi đó, Các nước châu Âu đề nghị thêm vào nội dung lên án Nga, và thể hiện rõ lập trường ủng hộ chủ quyền của Ukraine. 

Tuy nhiên, những đề xuất sửa đổi này đều bị Mỹ phản đối. Mỹ từ chối lên án vai trò của Nga trong vấn đề Ukraine, đồng thời kêu gọi các nước khác cùng phản đối: 

"Chúng tôi không thể ủng hộ những sửa đổi này. Đó là những sửa đổi theo đuổi cuộc đấu khẩu qua lại, hơn là kết thúc cuộc xung đột. Chúng tôi kêu gọi các thành viên khác cùng với Mỹ phản đối những sửa đổi này, trong khi chúng tôi đang làm việc để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hòa bình lâu bền giữa Ukraine và Nga.", Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ, Dorothy Shea kêu gọi.

Phó Đại sứ Mỹ Dorothy Shea đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng LHQ về Ukraine. Nguồn ảnh: UN Photo/Manuel Elías 

Diễn biến này đánh dấu thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. 

Cuối cùng, nghị quyết cũng được Đại hội đồng LHQ thông qua, với kết quả: 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống (bao gồm Mỹ và Nga) và 65 phiếu trắng. Hầu hết các quốc gia phương Tây ủng hộ nghị quyết nhưng Mỹ bỏ phiếu chống, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt khỏi lập trường truyền thống chung của Mỹ với các đồng minh châu Âu. 

Kết quả bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. 

Tiếp đó, Mỹ soạn thảo nghị quyết riêng để đưa ra Hội đồng Bảo an, thể hiện giọng điệu trung lập, kêu gọi kiến tạo hòa bình ở Ukraine theo cách của Mỹ, trong đó tránh chỉ trích Nga và không đề cập đến các hành động của Nga trong cuộc xung đột.

Ukraine nhanh chóng phản ứng dự thảo của Mỹ. Đối với họ, hòa bình có nghĩa là Nga rút quân hoàn toàn, trả lại lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới được quốc tế công nhận. 

“Ukraine mong muốn hòa bình hơn ai hết, nhưng không phải bất kỳ loại hòa bình nào.”, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mariana Betsa phản ứng. 

Đại sứ Pháp tại LHQ, Nicolas de Riviere, kêu gọi sửa đổi nghị quyết của Mỹ. Ông yêu cầu rằng vai trò của Nga trong cuộc chiến phải bị lên án rõ ràng.

Sau đó, Mỹ đã bỏ phiếu trắng đối với chính nghị quyết do mình đề xuất, sau khi không ngăn được những đề xuất sửa đổi nội dung do các nước châu Âu đưa vào dự thảo.

Cuối cùng, dự thảo cũng được thông qua, với phiên bản như Mỹ đưa ra ban đầu, sau khi đại sứ Nga Vassily Nebenzia nhấn mạnh rằng dự thảo thể hiện ý chí của chính phủ mới của Mỹ, muốn đóng góp vào giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. 

Dự thảo của Mỹ nhận được 10 phiếu ủng hộ, trong khi có 5 phiếu trắng, trong đó có Pháp và Anh. Nghị quyết mang tính ràng buộc, kêu gọi nhanh chóng kết thúc xung đột ở Ukraine và kiến tạo nền hòa bình lâu dài ở nước này. 

Đại diện Mỹ Dorothy Shea gọi nghị quyết là bước đi đầu tiên nhưng quan trọng trên con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine. 

Phó Đại sứ Mỹ Dorothy Shea giơ tay biểu quyết ủng hộ, trong khi Đại sứ Anh Barbara Woodward không biểu quyết. Nghị quyết do Mỹ đề xuất nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, nhưng Anh và Pháp bỏ phiếu trắng. 

Từng là những đồng minh thân thiết, giờ đây Mỹ và châu Âu đang dần dần đi theo những con đường khác nhau, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục định hình lại chính trị toàn cầu. 

Cuộc bỏ phiếu tại LHQ đã làm lộ rõ những vết nứt ngày càng lớn giữa Mỹ và châu Âu, sau một loạt những nước cờ dồn dập của chính phủ Mỹ - trong thời gian chỉ mới hơn 1 tháng kể từ khi Tổng thống Trump trở lại nắm quyền. 

Chẳng hạn như bài diễn văn của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, chỉ trích mạnh mẽ châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức mới đây.

Ngày 12/02 qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố chấm dứt vai trò của Mỹ như là nước bảo đảm chính cho an ninh châu Âu, đặc biệt là về vấn đề Ukraine. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth họp báo tại trụ sở NATO ở Brussell. Photo: Simon Wohlfhart/AFP via Getty Images

Trong cuộc họp với các đồng minh NATO, Bộ trưởng Hegseth nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO là không thực tế, cuộc xung đột tại Ukraine phải kết thúc, và châu Âu - chứ không phải Mỹ - phải chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai hậu xung đột.  Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ không còn ưu tiên an ninh châu Âu và Ukraine nữa khi chính quyền Trump chuyển hướng chú ý sang tăng cường bảo vệ biên giới của Mỹ và ngăn chặn chiến tranh với Trung Quốc.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khiến các đồng minh NATO rơi vào trạng thái tức giận, phủ nhận và tuyệt vọng. Tổng thống Pháp Macron đã triệu tập một cuộc họp khẩn của các nước EU để tìm một đối sách chung của châu Âu để ứng phó.

Và đặc biệt, Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Nga, dường như đã gạt châu Âu và Ukraine ra khỏi cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine, ít nhất là cho tới thời điểm này. Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Nga đã gặp nhau lần 1 tại Ả-rập Xê-út, và sẽ gặp nhau lần 2 tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 27/02.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ hai, trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh (Saudi Arabia) ngày 18/2/2025. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Với hy vọng hàn gắn quan hệ giữa EU và Mỹ, hôm 24/02, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bay sang Washington và hội đàm với Tổng thống Trump. Nhưng thay vì sự đoàn kết, căng thẳng càng trở nên rõ ràng hơn. Tổng thống Macron công khai "đính chính" phát biểu của Tổng thống Trump ngay tại cuộc họp báo ở Phòng Bầu Dục, làm phơi bày những bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine.

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 24-02-2025. (Nguồn: Brian Snyder/Reuters)

"Châu Âu đang cho Ukraine vay tiền, và họ sẽ lấy lại được tiền.", Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Macron liền vịn tay Tổng thống Trump để đính chính. Ông nói: "Không phải, thành thực mà nói, thực tế là chúng tôi chi trả 60% của tổng nỗ lực; và đó là những khoản vay, những khoản bảo lãnh, và những khoản viện trợ không hoàn lại. Phải nói rõ rằng: chúng tôi cung cấp tiền thật. Chúng tôi có 230 tỷ euro tài sản của Nga tại châu Âu. Nhưng đó không phải tài sản đảm bảo cho khoản vay của Ukraine bởi vì đó không phải là tài sản của chúng tôi. Số tiền đó đang bị đóng băng."

Ông Trump liền đáp: "Nếu ông tin như vậy thì cũng được. Nhưng châu Âu lấy lại được tiền còn chúng tôi thì không, và bây giờ thì chúng tôi sẽ lấy lại."

Ít phút sau đó, Macron đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn hòa bình. Hòa bình không thể có nghĩa là đầu hàng của Ukraine, hòa bình không thể là lệnh ngừng bắn không có bảo đảm, hòa bình phải bao gồm các điều kiện về chủ quyền của Ukraine, cho phép Ukraine đàm phán với tất cả các bên liên quan. Chúng ta (Mỹ và châu Âu) cần đảm nhận trách nhiệm duy trì an ninh và ổn định cho Ukraine và cho toàn bộ khu vực trong dài hạn. Và đối với chúng tôi, người châu Âu, đó là vấn đề về sự tồn vong của chúng tôi."

Những lời này là phản ứng trực tiếp của Pháp và EU, xuất phát từ lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ chấp nhận một thỏa hiệp có lợi cho Nga, và hy sinh lợi ích an ninh của châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Donald Trump làm việc với Nga nhằm tìm kiếm sự kết thúc cho cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng ông kêu gọi Mỹ hỗ trợ châu Âu đảm bảo an ninh cho các thỏa thuận kết thúc cuộc xung đột.

Căng thẳng thương mại cũng đang làm trầm trọng thêm mối quan hệ Mỹ và EU. Trong cuộc gặp ở Washington, ông Macron cảnh báo Mỹ rằng họ không thể cùng lúc tiến hành chiến tranh thương mại với cả Trung Quốc và châu Âu. Ông cũng lập luận rằng chiến tranh thương mại, sẽ khiến nền kinh tế châu Âu suy yếu, từ đó khiến cho nỗ lực của châu Âu nhằm tự chủ về quốc phòng - như ông Trump mong muốn - càng trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, trước xu hướng Mỹ ngả sang chủ nghĩa bảo hộ, các lãnh đạo EU đã bắt đầu thảo luận các biện pháp đối phó, đề phòng những chính sách thuế quan khắc nghiệt từ Washington.

Cho đến nay, phản ứng mạnh mẽ nhất trong số các nhà lãnh đạo ở châu Âu đối với các động thái của chính phủ Mỹ là phản ứng của ông Friedrich Merz, người có khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức. Ông đang kêu gọi một châu Âu mạnh mẽ hơn, hoàn toàn độc lập về quân sự — không còn phụ thuộc vào Mỹ về an ninh, đồng thời cảnh báo liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO có thể sẽ sớm tan rã. Thậm chí, ông đã nói đến khả năng tăng cường phòng thủ bằng vũ khí hạt nhân.

Ngay sau khi đảng của ông dành chiến thắng bầu cử, ông Friedrich Merz đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc tới châu Âu rằng Mỹ đã trở nên thờ ơ với số phận của lục địa này và  châu Âu phải trở nên độc lập khỏi nước Mỹ.

Nhà lãnh đạo tương lai của kinh tế lớn nhất châu Âu cũng cảnh báo rằng lục đại này phải khẩn cấp tăng cường nền quốc phòng, và thậm chí có thể tìm kiếm một sự thay thế cho NATO - trong thời gian chỉ vài tháng tới.

Ông Friedrich Merz bày tỏ quan điểm: "Chính phủ Mỹ hiện nay hầu như thờ ơ với số phận của châu Âu. Tôi rất tò mò muốn biết chúng ta sẽ tiến đến hội nghị thượng đỉnh của NATO vào cuối tháng 6 tới đây như thế nào. Liệu chúng ta sẽ nói về NATO ở định dạng hiện nay, hay chúng ta phải thiết lập năng lực phòng thủ châu Âu. Đó là ưu tiên tuyệt đối của tôi."

Lãnh đạo phe bảo thủ Đức Friedrich Merz, người sắp trở thành thủ tướng của nước này.

Phát biểu của ông Merz đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Cho thấy mức độ chấn động mà chính phủ của Tổng thống Trump đã gây ra đối với nền móng quốc phòng và chính trị của châu Âu - vốn phụ thuộc vào các biện pháp đảm bảo an ninh của Mỹ trong 80 năm qua.

Lực lượng lính dù NATO trong cuộc tập trận nhảy dù. Nguồn: NATO

Hôm thứ Sáu, ông Merz cũng đề nghị rằng đã đến lúc xem xét khả năng hợp tác hạt nhân giữa Pháp, Anh, Đức và các nước khác, để thay thế chiếc ô vũ khí hạt nhân Mỹ - vốn đã đảm bảo an ninh châu Âu trong nhiều chục năm qua. Ông cũng kêu gọi Anh và Pháp đảm bảo an ninh cho Đức bằng vũ khí hạt nhân.

Ngày 27/02, phản ứng lại những phát biểu của ông Merz, cho rằng NATO lâm nguy vì sự thờ ơ của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định NATO không hề gặp nguy hiểm do “sự thờ ơ” của Mỹ. Điều duy nhất đang đặt NATO vào tình thế nguy hiểm chính là việc một số đồng minh gần như không có quân đội hoặc quân đội của họ không đủ năng lực, bởi vì họ đã không đầu tư cho quốc phòng suốt 40 năm qua. Chính Mỹ đã duy trì NATO. Mỹ không thể tiếp tục trợ cấp cho những quốc gia đó mãi được.

Một yếu tố quan trọng đang thúc đẩy sự thay đổi này là việc Tổng thống Trump đảo ngược chính sách lâu năm của Mỹ đối với châu Âu, và dành nhiều sự quan tâm nhiều hơn cho khu vực khác. Diễn biến này đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của quan hệ Mỹ - châu Âu, cũng như những hệ quả đối với tình hình thế giới.

Trật tự thế giới, vốn được hình thành sau Thế chiến thứ hai, đang thay đổi. Mỹ và châu Âu vẫn là đồng minh, nhưng tầm nhìn của họ về tương lai đang dần tách rời. Liệu châu Âu có thể giành được độc lập thực sự hay NATO có thể đứng vững nếu không có Mỹ? Đó vẫn đang là vấn đề được thế giới quan tâm.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: