(HTV) - Vừa trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử, Nhật Bản lại đối diện với tình trạng thiếu nguồn cung gạo nghiêm trọng nhất trong 30 năm trở lại đây. Nhiều cửa hàng, siêu thị ở thủ đô Tokyo không còn gạo để bán.
Tại một cửa hàng ở thủ đô Tokyo, gạo - thành phần quan trọng trong bữa ăn của người Nhật - còn rất ít. Bình thường, cửa hàng này bán 10 loại gạo khác nhau, nhưng có hôm chỉ còn vài bao của một loại gạo duy nhất.
"Thật khó tìm thấy những bao gạo 5kg, giờ chỉ có bao 2kg thôi", một người mua hàng cho biết.
Nhân viên siêu thị dán ghi chú mỗi hộ gia đình chỉ mua một bao gạo. Nguồn ảnh: AFP
Một số siêu thị ở Nhật đã đưa ra giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua một túi gạo một lúc. Trong khi đó, nhiều người mua gạo online bị hủy đơn hàng đột ngột hoặc phải bốc thăm như xổ số, dẫn tới chỉ một số người mua có được gạo giao tới tận tay.
Ông Hiromichi Akiba - Chủ chuỗi siêu thị Akidai nói có dù đã đặt hàng gạo từ nhiều nhà cung cấp, nhưng có lúc chỉ có khoảng 20% lượng hàng, thậm chí không có hàng để bán.
Khan hàng, giá lại tăng, một số người chọn cách...cắt bớt gạo khỏi bữa ăn. "Tôi bắt đầu chuyển sang mua các loại mì như udon hay somen vì gạo ngày càng đắt," ông Hironori Kato - Một người dân cho hay.
Trong khi đó, chính phủ kêu gọi người dân không nên hoảng loạn. Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Sakamoto Tetsushi kỳ vọng nguồn cung sẽ sớm khôi phục trong thời gian ngắn. "Từ giờ đến đó, muốn người tiêu dùng mua đúng số lượng gạo cần dùng và tránh tâm lý hoảng loạn," ông nói.
Nguồn cung gạo thấp, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến bữa cơm của người Nhật. Nguồn ảnh: Chanhee Lee
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho thấy, xuất khẩu gạo của nước này từ tháng 1 - 7 năm 2024 đạt mức 24.469 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những nguyên nhân khiến nguồn cung gạo ở Nhật Bản không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng còn có thể kể đến như lượng khách du lịch quá lớn dẫn tới nhu cầu sushi tăng vọt. Thời tiết cực đoan khiến các giống lúa bị hư hại. Bên cạnh đó, lượng gạo tiêu thụ nhanh còn đến từ việc người dân tích trữ vì lo ngại thiên tai như bão hay động đất. Cộng với việc Nhật Bản theo đuổi chính sách nông nghiệp sai lầm trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến tình trạng khan hiếm hiện nay.
Nhu cầu món ăn làm từ gạo tăng mạnh do lượng khách du lịch đến Nhật Bản tăng. Nguồn ảnh: The Japan Times
Theo ông Miwa Yasufumia - Nhà nghiên cứu chính tại Viện nghiên cứu Nhật Bản, đồng thời là chuyên gia về phân phối gạo, cho biết thêm góp phần vào tình trạng siêu thị thiếu hàng đến từ việc chờ nguồn cung gạo mới.
Gạo thu hoạch trong năm tài chính 2024, gạo mới đã có mặt trên các kệ hàng siêu thị và nhiều nơi khác tại Nhật Bản trong tháng 9 này, giúp xoa dịu phần nào tình trạng thiếu hụt tại các cửa hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng vì giá gạo mới cao hơn từ 30-50% so với giá gạo được thu hoạch trong năm tài chính 2023.
Chiều ngày 06/9, hơn 50 bao gạo khối lượng 5 kg mới thu hoạch ở các tỉnh Ibaraki và Chiba đã được chuyển đến siêu thị Super Sanyo ở quận Adachi (Tokyo) với giá hơn 3.000 yen/bao, đắt hơn khoảng 1,5 lần so với năm ngoái.
Người dân mua loại gạo mới thu hoạch ở siêu thị tại quận Adachi, thành phố Tokyo. Nguồn ảnh: The Japan News
Việc bán gạo mới thu hoạch đã bắt đầu từ tháng 9, nhưng với giá cao do mất cân bằng cung cầu. Ông Miwa Yasufumi cho biết giá tăng là không thể tránh khỏi khi chi phí sản xuất lúa gạo tăng, chẳng hạn như phân bón và nhiên liệu.
Ông dự đoán: “Vào cuối tháng này, khi lúa mới thu hoạch đã được phân phối đầy đủ, tình trạng thiếu hụt sẽ được giải quyết và mức giá cao bất thường này sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ vẫn ở mức cao hơn khoảng 10% so với năm ngoái”.
Theo các nhà phân tích, các gian hàng gạo ở Nhật Bản sẽ đầy trở lại khi vụ lúa Hè được thu hoạch và được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong mùa hè năm 2025.
Trong một nỗ lực tăng nguồn cung gạo, các địa phương đã nghiên cứu các giống lúa có năng suất cao và có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt.
Giống lúa chịu nhiệt mới có tên Emihokoro được trồng thử nghiệm tại tỉnh Saitama. Nguồn ảnh: Reuters
Chính quyền Saitama, một trong những tỉnh nóng nhất Nhật Bản, đang thúc đẩy một trong các dự án toàn quốc nhằm phát triển giống lúa chịu được nhiệt độ cao.
Tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ nông nghiệp Saitama, các nhà nghiên cứu đã thu thập hạt giống từ nhiều nơi trên khắp Nhật Bản, canh tác và thụ phấn chéo trong nỗ lực tạo ra các giống lúa chịu nhiệt tốt hơn như "Emihokoro", loại giống đã được trồng thử nghiệm trên 31 cánh đồng trong năm nay.
Ông Yoshitaka Funakawa - Một nông dân đang tham gia thử nghiệm giống lúa "Emihokoro" tại Saitama, cho rằng thời tiết sẽ tiếp tục nóng hơn nên nếu không có các giống lúa chịu được nhiệt độ cao thì việc trồng lúa sẽ rất khó khăn.
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế, nhập khẩu gạo của Nhật Bản trong năm 2023 đạt mức kỷ lục 708.975 tấn. Còn trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 368.434 tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người nông dân đang trồng lúa ở tỉnh Kagoshima. Gạo là một trong số ít mặt hàng ở Nhật Bản có tỷ lệ tự cung tự cấp gần 100%. Nguồn ảnh: The Japan Times
Các thị trường cung cấp chính gồm Mỹ, Thái Lan và Australia. Việt Nam đứng thứ 08 về xuất khẩu gạo vào Nhật Bản trong nửa đầu năm nay với khối lượng đạt 707 tấn, chỉ chiếm 0,2% tổng nhập khẩu gạo của nước này nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng tới 378%.
Để gạo Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Nhật Bản là một thách thức không nhỏ. Bởi trong xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản vẫn là nước có sự bảo hộ ở mức cao đối với nền nông nghiệp nội địa.
Gạo cũng là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do.
Tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh so với gạo của Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc hay Australia, nên trong những năm gần đây gạo Việt Nam vào thị trường Nhật chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác.
Sự kiện 100 tấn gạo ST25 được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản đánh dấu một cột mốc quan trọng khi gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản.
Việt Nam cần coi trọng xúc tiến xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản với loại chất lượng cao nhất, giá đắt nhất. Đồng thời nên tìm hiểu thật kỹ nhu cầu nhập khẩu gạo của đối tác để đáp ứng với nhiều hàng rào kỹ thuật, vệ sinh kiểm dịch khắt khe. Từ đó, có lợi cho ngành lúa gạo Việt Nam phát triển.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9