LONGFORM: Quy trình bầu Giáo hoàng - Bí ẩn hàng trăm năm

ĐẠT NGUYỄN - TRÚC QUỲNH - QUỐC KHANH - ĐỨC VINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/5/2025, 23:23

(HTV) - Ngày 7/5/2025, các Hồng y Công giáo La Mã bắt đầu bầu một Giáo hoàng thứ 267, người sẽ kế nhiệm Đức cố Giáo hoàng Phanxicô qua đời hồi tháng 4 trước đó. Các Hồng y tự cô lập mình khỏi thế giới cho đến khi chọn được người lãnh đạo Giáo hội.

Các Hồng y dự thánh lễ trọng thể tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô trước khi tiến hành Mật nghị. Nguồn ảnh: AFP

Nghi thức cổ xưa nhất còn tồn tại để bầu chọn lãnh đạo một tổ chức toàn cầu

Mật nghị Hồng y được xem là phương thức cổ xưa nhất còn tồn tại để bầu chọn lãnh đạo một tổ chức toàn cầu.

Thời gian từ lúc một Giáo hoàng qua đời đến khi một Giáo hoàng khác được bầu lên được gọi là “sede vacante”, tức "chiếc ngai bị bỏ trống", là thời gian "trống tòa”.

Mật nghị Hồng y được quy định bắt đầu từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 20 sau khi Đức Giáo hoàng qua đời. Nhưng Hồng y đoàn cũng có quyền quyết định bắt đầu sớm hơn nếu chắc chắn rằng tất cả cử tri đều có mặt.

Theo ông Philip Pullella, nhà báo thâm niên của Reuters tại Roma, Italia, cử tri cần là Hồng y dưới 80 tuổi. Năm 2025 này, hơn 2 tuần sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời và sau 12 Phiên họp chung, mật nghị Hồng y bắt đầu vào ngày 7/5.

Các Hồng y chuẩn bị tuyên thệ giữ bí mật về Mật nghị tại Nhà nguyện Sistine. Nguồn ảnh: AFP

 Bên trong nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng thứ 267. Nguồn ảnh: AFP

Trong thời gian họp, các Hồng y sẽ cư ngụ tại Nhà Thánh Marta. Buổi sáng, tất cả họ đồng tế trong Thánh lễ trọng thể "pro eligendo Pontifice" (tức cầu nguyện cho việc bầu chọn Giáo hoàng). Vào buổi chiều, các Hồng y cử tri tiến hành một đám rước long trọng đến Nhà nguyện Sistine, nơi Mật nghị bắt đầu dự kiến vào 21 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam.

Sau khi đã vào bên trong Nhà nguyện Sistine, mỗi Hồng y cử tri sẽ tuyên thệ cam kết giữ bí mật tuyệt đối về mọi thứ liên quan đến cuộc bầu cử, cũng nhưng không ủng hộ bất kỳ nỗ lực can thiệp bên ngoài nào vào cuộc bầu cử. Địa điểm bầu cử hoàn toàn được niêm phong cho đến khi kết thúc, những người tham gia bị cấm giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Người được bầu lên sẽ được hỏi có chấp nhận không, và ngài muốn lấy tên nào. Nếu vị này từ chối, thủ tục sẽ bắt đầu lại.

Từ một ống khói trên nhà nguyện Sistine, khói sẽ xuất hiện sau vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày thứ nhất và sau mỗi hai vòng bỏ phiếu trong các ngày tiếp theo. Tất cả các phiếu bầu sẽ được đốt với một hóa chất đặc biệt: nếu chưa có kết quả, khói đen sẽ phát ra, và khói trắng báo hiệu cho việc đã có một Giáo hoàng mới.

 Khói trắng bốc lên từ Nhà nguyện Sistine cùng tiếng chuông vang lên từ Vương cung thánh đường Thánh Phêrô xác nhận một giáo hoàng mới đã được bầu lên vào ngày 13/3/2013. Nguồn ảnh: Reuters

Theo nhiều chuyên gia, gần như không thể bầu ra một Giáo hoàng mới vào ngày đầu tiên của mật nghị, khi việc bỏ phiếu chỉ bắt đầu từ buổi chiều. Vì vậy, cuộc bầu chọn thực sự có thể chỉ diễn ra vào ngày hôm sau.

Sau bầu cử, tân Giáo hoàng sẽ đi vào một căn phòng rất nhỏ bên hông Nhà nguyện Sistine, được gọi là “Căn phòng nước mắt”, như cảm xúc của việc vừa được bầu. Trong phòng đã chuẩn bị sẵn 3 chiếc áo chùng màu trắng với 3 kích cỡ khác nhau, nhỏ, vừa và lớn.

Lúc này, một hồng y sẽ bước lên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, loan báo "Habemus Papam" (tức Chúng ta có một Giáo hoàng). Sau đó, Giáo hoàng mới xuất hiện và ban phước lành cho đám đông.

Những chiếc áo chùng dành cho tân Giáo hoàng được sắp xếp tại Phòng nước mắt, ngày 6/5/2025. Nguồn ảnh: Vatican Media

Mật nghị Hồng y từng kéo dài đến gần 3 năm

Qua nhiều thế kỷ, mật nghị bầu giáo hoàng trải qua nhiều thay đổi, nhưng các nguyên tắc cốt lõi vẫn được giữ nguyên, bất chấp những biến động lịch sử như chiến tranh, cải cách tôn giáo, hay sự phát triển của công nghệ.

Lần mật nghị lâu nhất kéo dài đến gần... 3 năm, diễn ra vào thế kỷ 13. Đó là vào năm 1268... Giáo hoàng Clêmentê IV qua đời, các hồng y phải tập hợp để bầu lãnh đạo mới của Giáo hội. Và phải đến tận tháng 9/1271, họ mới chọn được người kế nhiệm, mất đến... 1.006 ngày!

Trái lại, lần mật nghị nhanh nhất dường như là cuộc bầu cử Giáo hoàng Giuliô II vào năm 1503, chỉ trong vài giờ - theo nhà sử học Vatican Ambrogio Piazzoni.

Độ dài trung bình của 10 lần mật nghị gần đây nhất chỉ hơn 3 ngày và không có mật nghị nào kéo dài quá 5 ngày. Mật nghị gần nhất năm 2013 chỉ kéo dài 2 ngày.

Và không phải lần mật nghị nào cũng diễn ra êm đẹp, đặc biệt là vào thời Trung cổ. Theo Tiến Sĩ Miles Pattenden, thuộc Đại học Oxford, một cây viết chuyên về lịch sử Giáo hội, “từng xảy ra một số cuộc mật nghị khá thảm khốc, mà tồi tệ nhất có thể là vào năm 1605, khi các Hồng y xô xát và xé rách lễ phục của nhau”. Hoặc có những cuộc mật nghị khác mà kết quả bị tranh cãi dữ dội ngay tại thời điểm ấy hoặc sau đó.

Giáo hoàng trẻ nhất, dù còn nhiều tranh cãi, có thể là Giáo hoàng Gioan XII, chỉ mới 18 tuổi khi được bầu lên vào năm 955, hoặc Giáo hoàng Biển Đức IX, được bầu lên vào năm 1032 khi còn ở tuổi thiếu niên.

Các giáo hoàng lớn tuổi nhất là Giáo hoàng Cêlestinô III (được bầu vào năm 1191) và Giáo hoàng Cêlestinô V (được bầu vào năm 1294), khi đã gần 85 tuổi.

Người dẫn dắt Giáo hội Công giáo không nhất thiết phải là hồng y, nhưng lần cuối cùng mà chuyện này xảy ra là vào năm 1378, khi Giáo hoàng Urbanô VI được bầu lên.

Thậm chí có cả những người tự nhận là Giáo hoàng, trong khoảng thời gian từ năm 1378 đến năm 1417, được các nhà sử học gọi là Ly giáo phương Tây.

Trong nhiều thế kỷ, hầu hết Giáo hoàng là người Ý, nhưng cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Ba vị giáo hoàng gần đây nhất gồm Giáo hoàng Phanxicô là người Argentina, Giáo hoàng Biển Đức XVI là người Đức và Giáo hoàng Gioan Phaolô II là người Ba Lan.

Trong lịch sử, cũng có nhiều lần Giáo hoàng từ nhiệm, hoặc bị phế truất. Giáo hoàng gần đây nhất từ chức là Giáo hoàng Biển Đức XVI. Hầu hết các mật nghị đều được tổ chức tại Roma, một số diễn ra bên ngoài các bức tường Vatican. Có tổng cộng 15 lần mật nghị diễn ra bên ngoài, thậm chí ở cả Đức và Pháp.

Lần đầu tiên mật nghị diễn ra tại Nhà nguyện Sistine là vào năm 1492. Từ năm 1878 trở đi, nhà nguyện nổi tiếng với những bức bích họa của Michelangelo này mới trở thành địa điểm tổ chức của tất cả các lần mật nghị.

Ban đầu, các cuộc bầu cử giáo hoàng không diễn ra bí mật đến thế, nhưng các lo ngại về sự can thiệp chính trị đã tăng vọt sau cuộc mật nghị dài nhất lịch sử ở Viterbo. Do đó, Giáo hoàng Grêgôriô X đã ra sắc lệnh rằng các hồng y cử tri phải được cô lập.

Đó cũng là thời điểm ra đời thuật ngữ "mật nghị" (conclave), từ tiếng Latinh là "clausi cum clave" tức "đóng bằng chìa khóa". 

Các ứng viên sáng giá cho vị trí Giáo hoàng thứ 267

Tổng cộng có 133 Hồng y từ 70 quốc gia sẽ bỏ phiếu trong mật nghị này, là số lượng đông kỷ lục từ trước đến nay, so với con số 115 Hồng y từ 48 nước trong lần mật nghị gần đây nhất vào năm 2013.

108 người trong các cử tri năm nay được cố Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm, phản ánh những nỗ lực của ngài nhằm mở rộng phạm vi của Giáo hội đến những vùng xa xôi có ít người Công giáo. Theo Reuters, điều này làm tăng khả năng người kế nhiệm Đức cố Giáo hoàng sẽ tiếp tục các chính sách cởi mở của ngài.

Năm nay cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mật nghị có đa số Hồng y đến từ bên ngoài châu Âu, và có tỷ lệ hồng y cử tri đến từ châu Á cao nhất trong lịch sử, với 23 vị, chiếm 17%.

Trong những ngày gần đây, các Hồng y đã đưa ra những đánh giá khác nhau về những gì họ mong đợi ở vị Giáo hoàng tiếp theo. Trong khi một số người kêu gọi tiếp tục tầm nhìn của người tiền nhiệm về sự cởi mở và cải cách, những người khác cho biết họ lại muốn tìm về các truyền thống xưa cũ.

 

Một số ứng viên cho vị trí Giáo hoàng thứ 267. Nguồn ảnh: The Guardian

Hiện tại, có nhiều ứng viên cho vị trí lãnh đạo Giáo hội, tất cả sẽ được quyết định dựa vào phán đoán và ảnh hưởng của riêng các Hồng y trong lần mật nghị này, dẫn đến rất nhiều suy đoán.

Trong số các số gương mặt nổi bật, sáng giá nhất có thể kể đến là Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh người Ý Pietro Parolin, vốn có nhiệm vụ hỗ trợ Giáo hoàng thực hiện các chức năng chính trị, ngoại giao của Vatican và các sinh hoạt liên hệ tới Giáo hội Công giáo toàn cầu.

Còn Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle - người có biệt danh là "Phanxicô châu Á", được xem là người có tầm nhìn mục vụ phản ánh tinh thần của cố Giáo hoàng Phanxicô. Giáo hội có ảnh hưởng rất lớn ở Philippines, nơi có khoảng 80% dân số theo Công giáo. Chưa kể là nước này hiện có đến 5 thành viên Hồng y đoàn – có thể tạo lợi thế đáng kể nếu tất cả họ đều ủng hộ Hồng y Tagle.

Theo báo Công giáo Crux, một ứng cử viên mới nổi khác là Hồng y Robert Prevost, một người ôn hòa đến từ Mỹ được biết đến với "phán đoán vững chắc và khả năng lắng nghe nhạy bén".

Cũng rất có thể Giáo hoàng tiếp theo sẽ đến từ Châu Phi, nơi Giáo hội Công giáo tiếp tục thu hút thêm hàng triệu tín hữu. Trong đó, Hồng y Ambongo đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo là ứng cử viên hàng đầu.

Giới trẻ cũng thích thú tự bầu Giáo hoàng qua...game!

Mật nghị bầu Giáo hoàng thu hút sự chú ý của hơn 1,3 tỷ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới. Kèm với đó là những sự kiện bên lề vô cùng thú vị, chẳng hạn như việc giới trẻ tự chọn Giáo hoàng qua trò chơi điện tử!

Cho đến nay, lựa chọn hàng đầu của người chơi là Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh người Ý Pietro Parolin, theo sau là Tổng giám mục Bologna Matteo Maria Zuppi, và Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle.

Người chơi còn tạo ra một chiến lược, đưa ra những lựa chọn như giáo hoàng sẽ chọn tên mới nào, hay giáo hoàng mới sẽ tiến bộ hay bảo thủ hơn, ngài sẽ được bầu lên vào ngày nào trong tuần và các hồng y trong mật nghị sẽ phải mất bao nhiêu lần họp mới có kết quả. Việc tích lũy điểm sẽ dựa trên các lựa chọn này.

Game được tạo ra vào tháng 2 khi Đức Giáo hoàng Phanxicô nhập viện, nay có hơn 60.000 người đăng ký.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: