(HTV) - Kể từ giữa tháng 9, xung đột tại Trung Đông đã đột ngột leo thang khi Israel liên tục không kích tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của Hezbollah rồi triển khai bộ binh tấn công sang Liban.
Đến tối 01/10, Trung Đông dường như đã bước tới bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện, khi Iran phóng hàng trăm tên lửa vào lãnh thổ Israel.
Trong cuộc tấn công vào tối 01/10, Iran đã phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel. Theo Tehran, đây là hành động trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh và chuẩn tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Abbas Nilforoushan.
Các nhà phân tích cho biết trong cuộc tấn công này, Iran đã sử dụng các tên lửa Fattah-1 and Kheybarshekan, với tầm bắn được cho là khoảng 1.400 km.
Iran từng tuyên bố cả 2 loại tên lửa nói trên mang đầu đạn có thể thay đổi đường bay, tấn công mục tiêu chính xác và khó bị đánh chặn hơn. Bên cạnh đó, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn có thể được phóng đi mà có ít dấu hiệu báo trước. Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị ngắn hơn, giúp Iran có thể phóng cùng lúc nhiều tên lửa hơn để gây quá tải hệ thống phòng thủ của Israel.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa Iran tại Ashkelon. Nguồn ảnh: Reuters
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết 90% số tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở Israel.
Trong khi đó, phía Israel tuyên bố hệ thống phòng không của nước này cùng sự hỗ trợ của Mỹ đã đánh chặn hầu hết tên lửa. Một số nhỏ tên lửa rơi xuống miền Trung và miền Nam Israel. Không có ai thương vong ở Israel, nhưng một người Palestine tại khu Bờ Tây đã thiệt mạng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ trả đũa: "Iran đã phạm một sai lầm lớn tối nay, và họ sẽ phải trả giá. Chế độ Iran không hiểu tinh thần tự vệ cũng như quyết tâm trả đũa kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tuân theo quy tắc mà chúng tôi đã xác định: Bất cứ ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công họ.”
Nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về động thái leo thang căng thẳng mới nhất này tại Trung Đông, đồng thời kêu gọi các bên chấm dứt những hành động quân sự có thể đe dọa tới sự ổn định của khu vực.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phản đối các hành động khiến xung đột lan rộng hơn nữa ở Trung Đông, khẳng định tình trạng này cần chấm dứt ngay và nhấn mạnh đến một thỏa thuận ngừng bắn trong khu vực.
Anh, Đức và Pháp đều khẳng định vụ tấn công của Iran là động thái leo thang nguy hiểm và đẩy khu vực Trung Đông vào bất ổn.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng nhận định rằng "cuộc tấn công dường như đã bị đánh bại và không còn hiệu quả" và tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ Israel".
Trong khi đó, phong trào Hamas tại Dải Gaza cũng như nhóm Houthi ở Yemen đều bày tỏ ủng hộ vụ tấn công của Iran, khẳng định đây là thông điệp mạnh mẽ nhằm răn đe các hành động gây hấn của Israel trong khu vực.
Một ngôi nhà ở Hod Hasharon, Israel bị tên lửa Iran phá hủy. Nguồn ảnh: AP
Ngày 01/4/2024, Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria bị tấn công tên lửa, khiến 13 người thiệt mạng trong đó có chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Mohammad Reza Zahedi. Iran cho rằng Israel đã thực hiện cuộc tấn công này.
Để đáp trả, ngày 13/4, Tehran đã phóng 300 tên lửa và máy bay không người lái về phía Israel. Phần lớn các quả đạn đã bị đánh chặn từ ngoài biên giới Israel. Dù vậy, việc sử dụng các máy bay không người lái di chuyển chậm và tên lửa hành trình đã giúp Israel có thêm thời gian để phản ứng.
Lần này, Iran sử dụng nhiều tên lửa hiện đại hơn và có thể gây được áp lực lớn hơn cho hệ thống phòng không của Israel.
Một số nhà phân tích chính trị nhận định Iran hành động quyết liệt như vậy nhằm cho thấy họ không bỏ rơi đồng minh, sau khi các nhóm vũ trang trong "trục kháng chiến" do Tehran dẫn đầu phải hứng chịu loạt đòn giáng mạnh trong những tuần qua. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Iran vẫn thể hiện sự kiềm chế nhất định.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 02/10 cho biết nước này không theo đuổi chiến tranh mà chính những hành động của Tel Aviv khiến Tehran phải phản ứng.
Iran quyết định hành động để bảo vệ đồng minh. Nguồn ảnh: Reuters
Vào tháng 4/2024, Israel đã bị thuyết phục khi hạn chế hành động trả đũa ở mức mà Iran có thể ngầm chấp nhận và các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng đã dừng lại. Lần này, ít có khả năng các màn đáp trả giữa Iran và Israel có thể bị ngăn chặn để không leo thang nghiêm trọng hơn.
Theo các nhà phân tích, Tel Aviv có đang có nhiều lựa chọn, bao gồm tấn công vào mục tiêu quân sự, kinh tế hoặc thậm chí là cơ sở hạt nhân của Iran.
Giới chức Israel trước đó đã kêu gọi Mỹ cũng phối hợp tấn công Iran, đặc biệt là các địa điểm hạt nhân của nước này, nơi Israel đã từ lâu cảnh báo là cơ sở cho cái mà Israel gọi là chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Cơ sở hạt nhân của Iran tại Isfahan. Nguồn ảnh: Reuters
Nhà Trắng có thể tìm cách thuyết phục Israel theo đuổi kế hoạch quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Mỹ có thể trực tiếp tham gia các chiến dịch trong tương lai của Israel trong bối cảnh giới chức Iran đã gắn hành động của Israel với Mỹ.
Thực tế, các căn cứ của Mỹ trong vùng vẫn là mục tiêu cho các cuộc tấn công của Iran và đồng minh của Tehran. Khi tình hình Iran - Israel nóng lên, Lầu Năm Góc đã điều thêm hàng ngàn binh lính, phi đoàn máy bay và một nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington không ủng hộ Israel nhắm đến chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, lại cho rằng, Israel nên tấn công cơ sở hạt nhân Iran.
Theo các nhà phân tích, Mỹ buộc phải ủng hộ "đồng minh" Israel nhưng sự ủng hộ này phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran. Nguồn ảnh: Reuters
Hiện chưa rõ Israel sẽ lựa chọn phương án nào, nhưng giới quan sát cho rằng các phương án đều tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm. Một cuộc đáp trả nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran có thể lôi kéo các bên vào cuộc xung đột, trong khi tấn công vào hạ tầng dầu khí có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu, ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.
Ngay sau cuộc tập kích tên lửa của Iran vào Israel, giá dầu trên thị trường thế giới đã đồng loạt tăng vọt. Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn giao dịch hàng hóa New York, Mỹ có lúc tăng đến 5% trước khi chốt phiên ở mức tăng 2%. Giá dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng tương ứng.
Giá dầu có thể sẽ tăng cao hơn nếu Israel thực hiện lời đe dọa của mình, đó là nhắm vào cơ sở dầu mỏ của Iran để trả đũa. Iran hiện là một trong những quốc gia có năng lực lọc dầu lớn nhất ở Trung Đông với công suất khoảng 2,4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Để trả đũa, Iran có thể sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, nơi 30% tổng lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua. Trong quá khứ, Iran đã nhiều lần đe dọa điều này.
Tấn công cơ sở dầu mỏ Iran có thể làm tăng giá dầu toàn thế giới. Nguồn ảnh: Reuters
Cùng với đó, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ do lực lượng Houthi ở Yemen gây ra thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động vận tải container, đe dọa trực tiếp chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng chi phí và lạm phát, gây ảnh hưởng tới an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Theo các nhà phân tích, nếu cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra, kinh tế của các quốc gia trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Xung đột lan rộng có thể làm kinh tế Liban vốn đã chao đảo trong nhiều năm do bế tắc chính trị sụp đổ. Xung đột tại Dải Gaza đã khiến GDP của Gaza giảm 86% trong nửa đầu năm nay, trong khi con số này tại khu Bờ Tây là khoảng 25%, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Với Israel, tăng trưởng của nước này đã chậm lại kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát. Các khoản chi tiêu quân sự, sơ tán dân và bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại đã khiến thâm hụt ngân sách quốc gia tăng cao kỷ lục.
Kinh tế Israel cũng thiệt hại do xung đột ở Gaza. Nguồn ảnh: Flash90
Còn với Iran, các nhà phân tích cảnh báo, hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng là rất nghiêm trọng. Bất kỳ sự leo thang nào cũng chỉ có thể dẫn đến việc thắt chặt thay vì nới lỏng lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Iran. Theo dự báo, kinh tế Iran sẽ tăng trưởng chậm lại, ở mức 3,3% trong năm nay, so với 4,7% vào năm ngoái.
Một số tổ chức tài chính hàng đầu cảnh báo đà phục hồi của kinh tế thế giới có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu trong bối cảnh các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế để hạ nhiệt "điểm nóng" Trung Đông có nguy cơ tan vỡ và các con đường đi đến đàm phán dường như đang bế tắc.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9