(HTV) - Các chuyên gia nhận thấy rằng, quy hoạch công nghiệp cần được tích hợp vào quy hoạch tổng thể của TP.HCM, bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất, nhằm tránh xảy ra xung đột trong quá trình thực hiện.
"Cần nhận diện đúng thực trạng ngành công nghiệp, mạnh dạn đột phá trong tư duy để thay đổi chính sách phát triển công nghiệp Thành phố, từ đó tái định vị ngành công nghiệp Thành phố trong cơ cấu ngành, đóng góp vào GRDP của Thành phố". Đây là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm khoa học "Góp ý dự thảo Báo cáo giai đoạn 1 của đề án khoa học Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" do Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.
Tọa đàm khoa học "Góp ý dự thảo Báo cáo giai đoạn 1 của đề án khoa học Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"
Báo cáo của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM thẳng thắn đánh giá, tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GRDP Thành phố có xu hướng giảm và chựng lại; Quy mô ngành công nghiệp mất dần vị trí đứng đầu trong vùng Đông Nam bộ; Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và tốc độ tăng giá trị gia tăng của một số ngành công nghiệp trọng yếu thấp hơn của toàn ngành công nghiệp và của nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; Diện tích đất công nghiệp TP.HCM là khá hạn chế, hiện không còn nhiều đất sạch; Việc hoạch định chính sách phát triển công nghiệp tại TP.HCM còn một số bất cập trong tình hình mới.
"Thực trạng hiện nay đã đúng hướng hay chưa? Công nghệ cao có đúng công nghệ cao hay chưa? Mình phải tách ra khu công nghệ cao để sản xuất. Khác với các khu chế xuất khác." Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành - Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM chia sẻ.
Theo
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) TP.HCM góp ý: "KCNC phải thực sự trở thành trung tâm tri thức, cung cấp công nghệ, tiêu chí phải khác. Hiện nay mình vẫn do theo giá trị xuất khẩu, tuy nhiên KCNC phải đo bằng việc trong 1.000 doanh nghiệp có bao nhiêu doanh nghiệp được ươm tạo trên cơ sở ứng dụng công nghệ".
"Mạnh dạn đột phá trong tư duy" là yếu tố được các chuyên gia nhấn mạnh, bởi như thế mới có thể có được chính sách phát triển công nghiệp phù hợp, từ đó tái định vị ngành công nghiệp Thành phố. Đặc biệt, cần phải chọn lọc và chuyển đổi có trọng tâm một số ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh; Chuyển đổi các KCN, KCX theo mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài -Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: "Phải khẳng định TP.HCM đang đi vào giai đoạn hậu công nghiệp. Điều cần thiết là phải chia nhóm. Đối với hiện trạng khu công nghiệp, ít nhất 20 năm nữa mới hết hợp đồng. Có chính sách duy trì môi trường tốt hơn, đổi mới công nghệ với khu công nghiệp hiện hữu. Còn với cụm công nghiệp thì phải phát triển theo hệ sinh thái, quy hoạch theo hệ sinh thái chứ không phải thấy cái nào hay quá thì đưa vào".
"Thực trạng nói khá nhiều nhưng trong giải pháp mình có đề cập đến CNHT và R&D thì cũng cần làm rõ hơn", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, quy hoạch công nghiệp cũng cần đặt vào tổng thể quy hoạch TP.HCM, quy hoạch sử dụng đất để tránh những xung đột trong triển khai.
Hiện nay, ngành công nghiệp đang chiếm 18,1% trong GRDP của TP.HCM. Hiện Thành phố có 13 Khu chế xuất, 14 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, với tỷ lệ lấp đầy là 81%.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9