Metro tạo động lực phát triển các khu vực lân cận

HỒNG DIỄM - PHAN NY - MINH TẤN - THIỆN TÙNG - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/1/2025, 14:36

(HTV) - Việc tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào vận hành đã tạo nên một sức sống mới cho TP.HCM. Sau 2 tuần, đã có hơn 1,7 triệu lượt khách đi tàu, đạt 300% so với kế hoạch đề ra.

Không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM còn thúc đẩy hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm tại các khu vực lân cận dọc theo tuyến. Nhìn xa hơn, là công trình giao thông quan trọng của Thành phố, các tuyến Metro được kỳ vọng không chỉ thay đổi hệ thống giao thông công cộng mà còn tạo động lực phát triển về nhiều mặt cho các khu vực xung quanh.

Bất động sản dọc tuyến Metro tăng giá

Dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp, xa lộ Hà Nội thuộc TP. Thủ Đức giá bán một số dự án chung cư đã tăng trên 10% trong một năm qua. Chuyên gia từ Cushman & Wakefield cho rằng: giá chung cư tăng không hoàn toàn dựa vào Metro số 1 mà còn chịu tác động từ Bảng giá đất mới, tuy nhiên, kinh nghiệm ở các địa phương có Metro đi qua cho thấy, bất động sản và các lĩnh vực khác đều sẽ hưởng lợi. 

Tham khảo tại thị trường Hà Nội có tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội đi vào hoạt động tháng 8/2024, tại thời điểm Quý IV/2024, giá chung cư dọc tuyến Metro tăng từ 10-15% so với giá căn hộ nằm xa khu vực này.

Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc - Giám đốc kinh doanh và nghiên cứu thị trường, Cushman & Wakefield

"Với tham khảo từ thị trường Hà Nội cũng như sự phát triển của các đô thị lớn khác trên thế giới, chắc chắn một tuyến Metro đi vào hoạt động sẽ kéo theo sự phát triển khả quan của thị trường bất động sản, đầu tiên là ảnh hưởng tới giá nhà chung cư, nhà liền thổ sau đó là văn phòng, trung tâm thương mại", bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc - Giám đốc kinh doanh và nghiên cứu thị trường, Cushman & Wakefield nhận định.

Thu hút nhà đầu tư tham gia mô hình Tod

Với lợi thế lớn này, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) mà TP.HCM đang có kế hoạch triển khai theo Nghị quyết 98 được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật lớn cho kinh tế.  

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng tạo nên sức bật lớn cho kinh tế 

"Các địa điểm để phát triển đô thị xung quanh nhà ga theo định hướng TOD tại TP.HCM không quá nhiều nhưng cũng không quá ít. Chúng ta hình dung, nếu như chúng ta phát triển một cái khu đô thị với quy mô là một vài trăm hecta thì cái lợi nhuận mà Thành phố đạt được là mỗi một cái như vậy là có thể lên đến 4 - 5 tỷ USD", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải, Trường đại học Việt Đức đánh giá.  

Ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM

Ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nhận định: “Đường sắt đô thị thì cái quan trọng nhất là tuyến và hướng tuyến, nhà ga, trong định hướng TOD thì chúng ta cũng xác định rõ vị trí nhà ga, kể cả không gian ngầm. Nếu có nhà đầu tư đủ tiềm lực thì triển khai luôn các không gian đô thị, các khu thương mại, khu dịch vụ, đồng thời với nhà ga. Như vậy chúng ta cũng tiết kiệm được chi phí cũng như đồng bộ.” Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Công ty Savills Việt Nam, các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là cơ chế tham gia và lợi ích họ nhận được. Do đó, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo để kêu gọi đầu tư là cần thiết, nhằm tạo sự minh bạch và thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố."

Hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Các chuyên gia nhận định: Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố cách đây ít ngày sẽ giúp hóa giải nhiều bất cập, đồng thời mở ra cơ hội thu hút nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững cho TP.HCM, đây cũng là nền tảng để TP.HCM mạnh dạn trong chiến lược phát triển mô hình TOD thời gian tới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: