(HTV) - Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam đã tạo bước đột phá mới khi xuất khẩu hơn 8 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ năm 1989 tới nay.
Lúa gạo là ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…
Nhìn lại 1 năm đầy tươi sáng của ngành lúa gạo là chủ đề BTV Thu Hiếu chương trình Dự báo kinh tế trao đổi cùng khách mời.
Đánh giá về những con số của ngành lúa gạo Việt Nam
BTV Thu Hiếu: “Bội thu” là từ mà nhiều người nhắc tới khi nói về ngành lúa gạo Việt trong năm 2023. Bởi, không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo với tổng giá trị 4,8 tỷ USD. Tiến sĩ Trần Minh Hải đánh giá gì về con số này?
Tiến sĩ Trần Minh Hải: Đúng vậy. Từ “bội thu”, hay “kỷ lục”, “đột phá” được sử dụng nhiều khi nói về kết quả xuất khẩu gặp năm 2023. Kể từ năm 2014 đến nay, bình quân 1 năm thu về tiền xuất khẩu gạo khoảng 2,9 tỷ USD – 3,5 tỷ USD. Năm nay là đột phá khi thu về 4,8 tỷ USD. Đúng là chúng ta có sự thành công. Thành công về cái này vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nội tại là ngành lúa gạo đã lai tạo được nhiều giống lúa ngon, gạo ngon, và thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính, nên giá bán gạo của chúng ta ngày càng tăng lên. Đây là cái căn cơ nhất của kết quả xuất khẩu. Đồng thời do tình hình chung của thế giới là giá gạo toàn cầu đang tăng, nên chúng ta hưởng lợi từ việc này.
BTV Thu Hiếu: Một điểm nhấn đặc biệt không thể không nhắc tới là Festival Quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023. Theo ông, chương trình này mở ra cơ hội như thế nào cho ngành lúa gạo Việt Nam?
Tiến sĩ Trần Minh Hải: Festival Lúa gạo Quốc tế năm 2023 vừa qua tại Hậu Giang là nỗ lực rất lớn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng các Bộ, ngành và UBND tỉnh Hậu Giang. Một kết quả đáng khích lệ đó là chúng ta có hơn 300 đại biểu từ 40 quốc gia đã tới tham dự, trong đó có 12 tập đoàn nhập khẩu gạo lớn của các quốc gia. Và sản lượng gạo mà chúng ta ký hợp đồng nguyên tắc là trên 3,2 triệu tấn gạo. Trong sự kiện đó có 8 lãnh đạo là Bộ trưởng các quốc gia thường xuyên mua gạo Việt, tạo ra tác động lớn. Festival Lúa gạo Quốc tế năm 2023 còn là dịp để Việt Nam giới thiệu cho thế giới biết được ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang ở tầm như thế nào. Đây cũng là dịp quảng bá đến thế giới hình ảnh một Việt Nam mở lòng, muốn hợp tác lâu dài, bền vững đối với các quốc gia nhập khẩu.
BTV Thu Hiếu: Bên cạnh những thành tựu đạt được, chắn chắn ngành hàng lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là trong bối cảnh biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu. Theo ông, đó là những khó khăn nào?
Tiến sĩ Trần Minh Hải: Giá lúa năm 2023 cao đang kèm theo nhiều rủi ro, vì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang bị lỗ. Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với mức 533 – 560 USD/tấn gạo, và đã lấy tiền trước của các khách hàng. Thế nhưng giá lúa hiện nay phải từ 630 - 640 UDS thì doanh nghiệp mới có lời. Thế thì những doanh nghiệp nếu thực hiện đúng hợp đồng thì 1 tấn gạo lỗ 100 USD. Còn không thực hiện được thì đền bù hợp đồng. Nếu gia hạn được với đối tác thì cũng phải bồi thường chi phí logistics hãng tàu, nên nó kéo theo hệ lụy là xuất khẩu gạo tăng, doanh thu tăng nhưng có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang bị lỗ. Đây là một bối cảnh bất hợp lý của ngành nông nghiệp Việt Nam, nguyên nhân là do nền nông nghiệp Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ, rủi ro, chuỗi sản xuất còn quá ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Có đầu tư vùng nguyên liệu, có đầu tư sản xuất chuỗi theo Hợp tác xã, và còn quá nhiều nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ. Cả nước hiện nay có 20 ngàn Hợp tác xã nông nghiệp, mà có 3,8 triệu hộ nông dân tham gia, thế thì số lượng nông dân sản xuất nông nghiệp theo các hợp tác xã là dưới 25% các hộ sản xuất nông nghiệp, còn lại 75% là sản xuất tự do. Chính vì tự do như vậy nên nông dân và doanh nghiệp chưa ngồi lại với nhau. Và tôi cho rằng đây là rủi ro lớn.
BTV Thu Hiếu: Liên quan đến việc đầu tư dài hơi, bài bản cho ngành hàng này, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án này có ý nghĩa như thế nào?
Tiến sĩ Trần Minh Hải: Tôi là một trong những thành viên tham gia biên soạn đề án này. Đề án này căn cứ vào những gì chúng ta đã có nền tảng. Vậy căn cứ vào đâu Bộ xây dựng 1 triệu hecta lúa? Chúng ta căn cứ vào dự án VNSAT ở ĐBSCL có 8 tỉnh trọng điểm trồng lúa tham gia dự án này. Và khi kết thúc dự án VNSAT, chúng ta đã hình thành được 180 ngàn hecta lúa. Chúng ta canh tác bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Sau khi kết thúc dự án VN SAT khoảng 2 năm nay thì ban quản lý dự án các tỉnh trồng lúa có dự án VNSAT thì người ta dựa vào đây với phần tài trợ kỹ thuật, vốn của ngân hàng thế giới. Các tỉnh dựa vào mô hình này cũng nhân ra, gọi là dự án VN SAT +. Tới thời điểm này, đã có trên 20 ngàn hecta canh tác theo phương pháp mới. Căn cơ là như thế, tới 2025, trong đề án cũng chỉ định hoàn thành 200 ngàn hecta. Tới năm 2030 mới đạt 1 triệu hecta. Trong đề án này chúng tôi đặt vai trò quan trọng lên doanh nghiệp, người dẫn dắt là người liên kết nông dân, dẫn dắt thị trường, hỗ trợ kỹ thuật, để làm sao người nông dân trong hợp tác xã chỉ làm tốt vai trò sản xuất, còn vai trò kinh doanh là của doanh nghiệp.
BTV Thu Hiếu: Trước yêu cầu phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, hiệp hội của ngành hàng này được thành lập. Ông có thể nói rõ hơn vai trò của Hiệp hội này?
Tiến sĩ Trần Minh Hải: Hiệp hội này đại diện cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh lúa gạo, làm sao có tiếng nói chung, làm sao cả những người kinh doanh, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hướng theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì cùng nhau đi”. Thì hiệp hội là nơi để chúng tôi kết nối các doanh nghiệp đầu tàu của ngành hàng xuất khẩu gạo, liên kết các doanh nghiệp, tác nhân để hỗ trợ doanh nghiệp như ngân hàng, các tổ chức kiểm định chất lượng, để làm sao khẳng định được tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của chúng ta, và cả vốn. Hiệp hội cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp, tác nhân xuất khẩu gạo với chính quyền địa phương và Chính phủ để làm sao nâng ngành hàng lúa gạo. Thông qua hiệp hội, Chính phủ cũng có thể thực hiện chính sách điều hành ngành lúa gạo của Việt Nam tốt hơn.
BTV Thu Hiếu: Năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông kỳ vọng gì vào việc này
Tiến sĩ Trần Minh Hải: Tôi dự báo thị trường lúa gạo vẫn tăng ở giá cao. Với giá 653 USD hiện nay, giá gạo sẽ sục từ từ. Bằng chứng là 1 tháng gần đây, giá gạo bị mất 17 – 20 USD. Thấp dần xuống, và đó là quy luật cung cầu, và nó sẽ quay về, và đó là bản chất của thằng lúa gạo, nó sẽ sụt giảm từ từ. Giá gạo sẽ vẫn giữ mức cao tới cả tháng 6, vì Ấn Độ sẽ hoàn thành bầu cử vào tháng 4-2024. Sở dĩ giá gạo tăng là vì ngoài chiến tranh giữa Nga và Ucraina nên 24% lượng ngũ cốc bị gián đoạn. Thêm nữa do Ấn độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, mà họ lại ngừng xuất khẩu, nên lượng gạo cuối năm 2024 rất là dư. Nên dự báo từ đây tới giữa năm 2024 gạo vẫn ở mức cao. Đứng ở 1 góc độ nào đó, thì gạo Việt có nhiều lợi thế, giờ chủ yếu là việc điều hành của Chính phủ… Bức tranh năm 2024 này rất sáng sủa.
BTV Thu Hiếu: Cảm ơn Tiến sĩ Trần Minh Hải!
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9