(HTV) - Tai nạn pháo nổ khiến nhiều học sinh nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang khẩn trương cấp cứu, mong cứu chữa thành công.
Trong một tháng gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghi nhận 04 ca cấp cứu liên quan đến pháo nổ, gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Đặc biệt đáng lo ngại là 03 trường hợp học sinh từ 15 đến 17 tuổi bị bỏng nặng cấp độ 2 và 3, thậm chí có em bị bỏng đến 50% cơ thể kèm theo nhiều chấn thương khác.
Các nạn nhân thậm chí là các em học sinh từ 15 tuổi đến 17 tuổi
Trong một tháng gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghi nhận 04 ca cấp cứu liên quan đến pháo nổ, gây ra những tổn thương nghiêm trọng
Theo Bác sĩ Trần Văn Khoa - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy: "Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu đặt báo động đỏ và tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực. Với tính chất phức tạp của các vết thương, bệnh nhân đã được hội chẩn và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ đa khoa, bao gồm cả chuyên khoa chỉnh hình và ngoại niệu".
Bác sĩ Trần Văn Khoa - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy
Bác sĩ Trần Anh Vũ - Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ chúng tôi vô cùng đau lòng khi phát hiện tinh hoàn bên phải của bệnh nhân đã bị dập nát hoàn toàn. Để cứu sống bệnh nhân, chúng tôi buộc phải cắt bỏ cơ quan sinh sản này. Đồng thời, các mảnh pháo nổ còn sót lại trong vết thương cũng được lấy ra một cách tỉ mỉ. May mắn là sau ca phẫu thuật, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định hơn".
Bác sĩ Trần Anh Vũ - Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy
Vào thời điểm càng gần Tết, số lượng nạn nhân do pháo nổ càng gia tăng, đặc biệt là trẻ em. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chỉ trong 02 tuần qua đã tiếp nhận liên tiếp 03 nạn nhân liên quan đến hành vi chế pháo. Theo Bác sĩ, so với các loại bỏng khác, thương tổn bỏng do nổ pháo được xem là rất nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Phó Khoa Bỏng - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Phó Khoa Bỏng - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo: "Khi trẻ cầm pháo, nếu chẳng may nổ, bàn tay có thể bị thổi bay mất hoặc biến dạng hoàn toàn. Còn nếu pháo nổ gần mặt, trẻ có thể bị mù hoặc gặp các vấn đề về hô hấp suốt đời".
Hiện nay, chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng, ai cũng có thể dễ dàng truy cập những hướng dẫn chi tiết về cách chế tạo pháo. Đồng thời, việc mua nguyên liệu làm pháo cũng không quá khó khăn, trong khi kiến thức về cách sử dụng an toàn các hóa chất này lại rất hạn chế.
Lời cảnh báo hậu quả khôn lường đến từ pháo tự chế
Hãy nói không với pháo nổ để bảo vệ bản thân và cộng đồng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ việc tự chế pháo. Theo ông Hiếu, các hóa chất làm pháo như lưu huỳnh, magie, nitrat... không chỉ dễ tìm mua trên thị trường mà còn vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình trộn lẫn các chất này, vụ nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa, khói từ việc đốt pháo chứa nhiều chất độc hại, gây tổn thương nghiêm trọng cho đường hô hấp.
Các nạn nhân bỏng nặng cấp độ 2 và 3, thậm chí bỏng đến 50% cơ thể kèm theo nhiều chấn thương khác
Mặc dù pháp luật đã có quy định nghiêm cấm về việc tự chế tạo và sử dụng pháo nổ, nhưng tai nạn vẫn xảy ra do ý thức của một số người, đặc biệt là trẻ em còn hạn chế. Để bảo vệ sự an toàn cho bản thân và cộng đồng, cần sự chung tay của cả xã hội, trong đó có gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9