Nam Cực đang bị đe dọa vì hạt vi nhựa

ĐỨC NGUYỄN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/2/2024, 20:31

(HTV) - Ở Nam Cực, các nhà nghiên cứu sử dụng một tấm lưới để thu thập các hạt nhựa nhỏ, nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm tại một trong những khu vực được bảo tồn tốt nhất thế giới.

Sự hiện diện của hạt vi nhựa tại đây chính là thước đo mức độ ô nhiễm của hành tinh.

Trong vùng nước băng giá của eo biển Gerlache dài khoảng 160km, nhà nghiên cứu Tigreros, từ đại học Colombia Jorge Tadeo Lozano, thả xuống một tấm lưới. Nó có chức năng giống cái sàng, cho nước đi qua và giữ lại các chất rắn. Tiếp đó anh phân tích các hạt thu thập được để tìm vi nhựa, các hạt kích thước từ 5 milimét đến 1/1.000 milimét.

Theo nhà khoa học này, các hạt vi nhựa là một chất gây ô nhiễm, thứ không hề có sẵn trong tự nhiên. Biển không sản xuất ra nhựa, nhựa do con người tạo ra.

Ở nơi tận cùng thế giới, hệ sinh thái mỏng manh và biệt lập ở Nam Cực đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi các hạt vi nhựa vì chúng có mặt khắp các đại dương.

Theo Liên Hiệp Quốc, nghiên cứu do Đại học Canterbury của New Zealand thực hiện vào năm 2019 đã chứng minh sự tồn tại của vi nhựa trong tuyết ở Nam Cực. Số nhựa này có thể đi theo các dòng hải lưu, hoặc do các loài di cư mang đến.

Vi nhựa bị phát hiện có mặt ở Nam Cực, gây lo ngại về những tác động lâu dài đến hệ sinh thái. Nguồn ảnh: The Guardian

Hạt vi nhựa có thể gây thiệt hại thêm cho Nam Cực khi “giảm sự phản chiếu của băng vì thay đổi độ nhám bề mặt, kích thích hoạt động của vi sinh vật" cũng như "đóng vai trò như một chất cách nhiệt".

Nghiên cứu của Tigreros là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thám hiểm Nam Cực lần thứ 10 của Colombia, trên tàu khoa học ARC Simón Bolívar của Hải quân nước này.

Mỗi năm trên toàn thế giới, hơn 430 triệu tấn nhựa được sản xuất. Các sản phẩm từ nhựa phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: