Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có những năm Dần lưu lại dấu ấn của sự khởi đầu, vừa quan trọng vừa không kém phần thú vị. Cùng điểm lại một vài dấu ấn trong số đó.
Thường thấy chữ "Uy chấn sơn hà" trên các bức tranh về Ngài Hổ
Không chỉ là một trong số 12 con giáp, Hổ còn xuất hiện trong nhiều bài ca dao tục ngữ như một linh vật có sức mạnh, quyền uy và sự oai linh. Có thể kể đến như: "Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn", "Hổ mọc thêm cánh", "Cáo mượn oai hùm", "Dựa hơi hùm, vểnh râu cáo", "Quân vô tướng như hổ vô đầu"...
Trong dân gian, Hổ được người dân gọi với những danh xưng như: Ngài Hổ, Ông Hổ, Ông Ba Mươi... Hổ còn là một trong những nguồn cảm hứng cho dòng tranh dân gian Đông Hồ, nổi tiếng có bức tranh "Ngũ Hổ". Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có những năm Dần lưu lại nhiều dấn ấn của những điều đầu tiên đầy quan trọng và không kém phần thú vị. Cùng điểm lại một vài dấu ấn trong số đó.
Năm Bính Dần 906 đánh dấu mốc chấm dứt về cơ bản thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm tại nước ta. Cụ thể, thời gian này, Khúc Thừa Dụ đứng ra lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi đô hộ nhà Đường, chiếm thành Đại La, dựng quyền tự chủ cho đất nước và tự xưng là Tiết độ sứ. Ngày 11 tháng Giêng (tức 7/2/906), trước hành động quyết liệt của Nhân dân Giao Châu, nhà Đường buộc phải phong chức "Đồng bình chương sự" cho Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, thừa nhận người Việt cai quản đất Việt.
Đến năm Canh Dần 990, nước ta có con đường bộ đầu tiên. Đó là khi Vua Lê Ðại Hành đánh chiếm ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính của Chiêm Thành. Sau đó, Vua đã sai Phụ quốc Tướng quân Ngô Tử An đem 3 vạn quân để mở con đường - chính là đường bộ đầu tiên của nước ta - từ biên giới Chiêm Việt ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) tới châu Ðịa Lý (Quảng Bình).
Dưới thời vua Lý Thái Tôn, vào năm Mậu Dần 1038, Vua đã đích thân ra cày ruộng (cày tịch điền) ở cửa Bố Hải để làm gương cho dân chúng. Đây là năm đầu tiên có tục lệ cày tịch điền và nét đẹp này được các triều đại sau đó duy trì và phát huy.
Cuộc di dân đầu tiên của Ðại Việt diễn ra năm Giáp Dần 1074. Theo Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Chế Củ được vua Lý Thánh Tôn tha về nước nhưng ngôi vua Chiêm Thành đã lọt về tay Madhavamurty nên nội chiến lại xảy ra. Cuối cùng, Harivarman IV lên làm vua, đem quân đánh Ðại Việt và Chân Lạp. Lý Thường Kiệt dẹp yên đồng thời tổ chức cuộc di dân tới ba châu Ðại Lý, Ma Linh và Bố Chính vừa mới chiếm của Chiêm Thành.
Đến năm Mậu Dần 1158, Nguyễn Quốc khuyên vua Lý Anh Tôn nên đặt hòm kính ở triều đình để ai có điều gì cần tâu trình, đề nghị, khiếu tố... thì viết giấy bỏ vào. Vua nghe theo và chỉ trong vòng một tháng, các đơn, thư, sớ đã đầy hòm. Đây là phương thức tiếp nhận ý kiến người dân hiệu quả, tiện lợi và có nhiều ý nghĩa về sự tiến bộ dưới triều phong kiến.
Gần hơn với lịch sử hiện nay của chúng ta, trong thế kỷ 17 có rất nhiều dấn ấn đáng nhớ liên quan đến năm Dần. Theo tuyến tính thời gian, năm Nhâm Dần 1602, Nguyễn Hoàng lập phủ Quảng Nam và sai Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ. Hội An từ đó trở thành thương cảng lớn của châu Á, có nhiều người phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc lui tới làm ăn buôn bán với cái tên ngoại quốc là Faifo.
Hội An trong bức họa "Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ" (Ảnh: Wikipedia)
Năm Giáp Dần 1614, chữ quốc ngữ Việt Nam (do các giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo ra) bắt đầu hình thành và phát triển.
Năm Mậu Dần 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, quyết định lập phủ Gia Định để quản lý hai huyện Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (Sài Gòn, từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ Đông). Sài Gòn coi như được thành lập từ đó.
Đến năm Giáp Dần 1674, Hiền Vương lập Nặc Ông Thu làm vua Lục Chân Lạp và Nặc Ông Nộn làm phó vương ở Sài Côn. Cũng từ đó, người Việt bắt đầu vào khẩn hoang lập ấp tại miền Thủy Chân Lạp.
Bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng, "Ngũ hổ"
Trong lúc bị Nguyễn Huệ đuổi tại cửa Cần Giờ, thuyền Nguyễn Ánh được cá voi cứu vớt nên thoát chết. Vì vậy, sau khi lên ngôi hoàng đế năm Nhâm Dần 1802, thống nhất Việt Nam, lập ra nhà Nguyễn, Vua đã phong chức cho cá voi là Nam Hải Ðại Tướng quân, lập miếu phụng thờ cúng tế. Tục thờ cá ông từ phía Nam đèo Ngang vào tới Hà Tiên có từ đó và trở thành tín ngưỡng của ngư dân Việt Nam tới bây giờ.
Và sự kiện năm Dần gần đây nhất mang dấu ấn mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước diễn ra năm Bính Dần 1986. Đó là năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra và khởi đầu đề ra công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện đất nước.