Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống mua bán người

PHAN NY - QUỐC SỬ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/7/2023, 09:31

(HTV) - Đây là một trong số những nhận định quan trọng được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra tại hội thảo về "Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người".

Hội thảo về "Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người" diễn ra vào ngày 6/7, tại TP.HCM

Công tác đấu tranh phòng chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến tương đối phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây bất an, lo lắng trong nhân dân, nhất là việc lợi dụng chính sách về đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài.

Là thành viên của Tiểu ban theo dõi hoạt động của cơ quan điều tra, bám sát tình hình thực hiện Luật phòng chống mua bán người tại 9 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, An Giang và Tây Ninh, trong gần 10 năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Văn Pha - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nhận định tội phạm lĩnh vực này có tăng và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay việc khởi tố, điều tra tội phạm mua bán người ở địa phương chưa tương xứng với tình hình tội phạm đang diễn ra, công tác phát hiện các vụ việc còn chưa chủ động.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Pha - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trình bày tại hội thảo

Tiến sĩ Nguyễn Văn Pha - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội bày tỏ: “Lãnh đạo các địa phương có quan tâm, nhưng vì địa phương vốn quá nhiều áp lực nên công việc đang được giao về cho các lực lượng như là công an, bộ đội biên phòng,... Bản thân những lực lượng này cũng nhiều việc. Do đó, là loại tội phạm này sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, sắp tới đây, các địa phương phải thực sự chủ động trong vấn đề này”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chỉ rõ, các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người được ban hành từ năm 2011, hiện không còn phù hợp với thực trạng xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố về công nghệ, tội phạm mạng có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật hiện thiếu tính đồng bộ, thống nhất với các bộ Luật có liên quan.

Ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực ban Tư pháp Quốc hội nhận định: “Các báo cáo đã cho thấy vấn đề trong công tác phòng chống rõ ràng là đã không đạt hiệu quả. Đặc biệt là khâu tuyên truyền, trong bối cảnh hiện nay khoa học công nghệ phát triển và các đối tượng hiện nay ứng dụng rất mạnh mẽ yếu tố này trong lừa đảo”.

Cần nhiều cách thức phòng chống tội phạm trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển hiện nay

Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết: “Hiện nay Luật mua bán phòng chống người đã quy định rõ vai trò của các địa phương. Luật sửa đổi cũng sẽ cần phát huy vai trò đó. Công tác phòng ngừa vô cùng quan trọng và công tác tiếp nhận nạn nhân cũng sẽ là nội dung quan trọng cho lần sửa đổi này”.

Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp chia sẻ về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người

Hội thảo tổng hợp các ý kiến đóng góp phù hợp với thực tiễn, qua đó bổ sung vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

 

Ý kiến của bạn: