(HTV) - Hệ thống Logistics và cảng biển TP.HCM đang gặp thách thức với các phí thu chưa thống nhất và cao, cảng không đủ khai thác, hạ tầng giao thông kết nối hạn chế, và dịch vụ kho bãi chưa phát triển như các tỉnh lân cận.
TP.HCM là cửa ngõ giao thương phía Nam với tiềm năng thương mại và vận tải quốc tế. Điều này yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống Logistics và cảng biển để TP.HCM phát triển Logistics và trở thành trung tâm kết nối trong nước và xuất nhập khẩu.
Cảng container VICT đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số
Ông Trương Nguyên Linh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh phát triển tiếp vận số 1 (VICT)
Để nâng cấp dịch vụ, cảng container VICT đã chủ động chuyển đổi số trong quản lý, vận hành ở những khâu thiết yếu, qua đó giúp tiết kiệm tới 30 % chi phí khai thác.
"Thay đổi phần mềm quản lý cả cảng thì vài chục tỷ, cực kỳ lớn. Dẫn đến chúng tôi phải mổ xẻ ra, phân tích lại: điểm yếu điểm mạnh, những mô- đun nào chúng tôi có thể cải thiện được với chi phí vừa phải", Ông Trương Nguyên Linh - Phó Tổng Giám đốc Công ty liên doanh phát triển tiếp vận số 1 (VICT) cho biết.
PGS. TS. Phạm Văn Tài - Trưởng khoa Thương mại quốc tế, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại
Theo PGS. TS. Phạm Văn Tài - Trưởng khoa Thương mại quốc tế, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực hệ thống Logistics và cảng biển. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là chưa đồng bộ trong vấn đề số hóa và quản lý. Dù các cơ quan quản lý đã sử dụng phần mềm song doanh nghiệp vẫn phải in giấy để nộp.
"Có những chuyển đổi nhưng còn quá chậm. Chậm ở thông quan chậm, chậm ở chỗ chúng ta chưa đồng bộ toàn bộ về mặt quản lý. Chỗ thì chuyển đổi số, chỗ thì giấy tờ. Điều đó làm tắt, chưa thể cởi trói được", PGS. TS. Phạm Văn Tài nhận định.
Theo đề án "Phát triển ngành Logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ Logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của Logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí Logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Để đạt được mục tiêu này, chuyên gia cho rằng TP.HCM cần phải chuẩn bị đồng bộ cả "Nhân lực, khoa học, công nghệ, kỹ thuật".
Vai trò của Logistic xanh
Theo đề án, Thành phố sẽ xây dựng 08 trung tâm Logistics với tổng diện tích hơn 750ha. Ngoài ra, các dự án có chức năng "tương tự trung tâm Logistics" như kho lạnh ở Khu công nghiêp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.
Việc kịp thời đầu tư cho lĩnh vực Logistics là yêu cầu bắt buộc để TP.HCM có thể duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương của cả khu vực, đóng góp lớn hơn cho kinh tế thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9