(HTV) -Tại TP.HCM, cơn mưa ở một số quận, huyện đã phần nào giải nhiệt cho người dân sau nhiều ngày nắng nóng liên tục. Tuy nhiên, hôm nay nền nhiệt độ lại tiếp tục tăng cao trở lại, gây nhiều trở ngại cho người dân, nhất là về sức khỏe.
Nhiệt độ lại tiếp tục tăng cao trở lại, gây nhiều trở ngại cho người dân
Trong thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tác động về mặt sức khỏe nhất. Thời tiết này khiến người bệnh dễ mệt mỏi, nóng trong người, mất nước, đổ nhiều mồ hôi hay chán ăn, từ đó làm nghiêm trọng hơn các bệnh lý sẵn có.
Đỉnh điểm nóng mỗi ngày rơi vào khoảng thời gian từ 12h đến 15h. Dưới thời tiết trên 35 độ C vào khung giờ này, nếu đi ngoài trời mà đột ngột vào trong những nơi có máy lạnh nhiệt độ thấp như văn phòng làm việc hay trung tâm thương mại hay thậm chí là lên xe ô tô, sẽ rất nguy hại cho sức khỏe. Vì thế người dân được khuyến cáo là nên hạn chế tối đa việc ra đường vào khung giờ trên.
Dưới trời nắng, nhiều quán nước cũng đắt khách hơn, "khách mua trà tắc, đá me, nha đam rất nhiều vì mấy món đó mát", bà Lê Trúc Ly - một người bán nước trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận cho biết.
Bà Nguyễn Thị Xuân, quận Phú Nhuận chia sẻ: "Đúng là cái thời tiết lúc này nhiệt độ nó quá cao, thậm chí ở trong nhà nhiều khi mình còn còn không chịu nổi. Nếu mà không có điều hòa, đi ra đường thì chỉ cần 10 hoặc 15 phút thôi thì đã thấy trong người mình nó mệt rồi. Không biết cái tình trạng này nó sẽ còn kéo dài bao lâu."
Bệnh viện đều ghi nhận những trường hợp bị mất nước, mất điện giải, cháy nắng, kiệt sức do nhiệt
Tại khoa cấp cứu và khoa khám bệnh BV Nhân Dân Gia Định, mỗi đợt cao điểm nắng nóng đều ghi nhận những trường hợp bị mất nước, mất điện giải, cháy nắng, kiệt sức do nhiệt... Quan trọng, khi mất nước và điện giải, máu trong cơ thể sẽ bị cô đặc, tạo thành cục máu đông, rất dễ gây đột quỵ.
Những biện pháp phòng tránh trong thời tiết nắng nóng
Bác sĩ Đoàn Duy Tùng - khoa Cấp cứu - bệnh viện Nhân Dân Gia Định thông tin: "Việt Nam mình là nước nằm trong khu vực nhiệt đới, vì vậy là số giờ nắng nóng ở miền Nam nước ta nhận được rất là cao, khoảng trên 2000 giờ mỗi năm, do đó có rất nhiều những căn bệnh do trời nắng nóng. Khi mà mình có những cái triệu chứng như thấy một người đi ngoài trời nắng nóng và đột ngột có các cái triệu chứng là mệt mỏi, tăng thân nhiệt, da khô, nóng vã mồ hôi hoặc là cảm giác là khó thở, nhịp thở nhanh rồi là mê sảng, co giật hoặc hôn mê thì người nếu phát hiện thì ngay lập tức gọi cho 115 để được hỗ trợ. Trong lúc mà chờ lực lượng đến hỗ trợ, hãy để bệnh nhân nơi mát mẻ nhất ở trong nhà, sau đó là để bệnh nhân nằm ngang, kê cao hai chân rồi sau đó cởi bỏ bớt quần áo để giải phóng nhiệt lượng trên cơ thể. Chúng ta có thể là đặt các cái túi đá lạnh hoặc là túi nước lạnh lên các vùng như là cổ, nách đồng thời mình sẽ làm mát bệnh nhân bằng cách quạt liên tục, có thể là dùng máy quạt hoặc là điều hòa nhiệt độ kèm theo là phun nước để làm hạ nhiệt. "
Bác sĩ CKI Trần Xuân Linh - Trưởng khoa tiêu hóa, bệnh viện Nhân Dân Gia Định
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên để trẻ em, hoặc động vật trên môi trường kín như xe hơi hay trong phòng đóng kín. Khi ra ngoài trời nên đội thêm mũ rộng vành. Nắng nóng vi khuẩn dễ sinh sôi, tốt nhất nên ăn thực phẩm mới, tránh giữ lại thức ăn thừa, bảo quản thời gian lâu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9