Nền kinh tế tự tin hơn trước những diễn biến "khác thường"

TRẦN HÙNG - KHÁNH TOÀN - QUỐC KHANH - MINH TRÍ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/12/2024, 09:36

(HTV) - Tình hình kinh tế thế giới ngày càng khó đoán định, khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro hơn, nhưng cùng với đó, nhiều cơ hội mới cũng xuất hiện.

Thay vì coi những thay đổi khó lường này là sự "bất thường" với hàm ý tiêu cực, bị động, thì hiện nay các doanh nghiệp đã có cái nhìn khác, và gọi đây là những diễn biến "khác thường", với hai mặt thuận lợi và khó khăn được nhận diện rõ ràng. Vấn đề lớn nhất là làm sao tận dụng được những mặt lợi nhiều nhất có thể, tránh những tác động ngược.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ tư do Báo Người Lao Động tổ chức

Do khan hiếm nguồn cung từ Brazil, giá cà phê thời gian qua đã tăng gấp 3 lần so với chi phí sản xuất. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục tăng, thị trường sẽ thiếu bền vững. Bởi các nhà nhập khẩu có thể tìm các sản phẩm khác để thay thế, và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng khó đảm bảo giao được hàng theo giá đã cam kết từ trước.

Giá cà phê tăng cao mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân

“Nhiều chục năm nay chúng tôi kinh doanh chưa bao giờ nghĩ rằng giá cà phê lại đắt đến như thế, và cũng không nghĩ được rằng nông dân họ vào vụ thu hoạch lại giữ hàng không bán. Nó sẽ có tác hại hai mặt bởi vì khi giá quá đắt, người ta sẽ tìm thị trường khác, thay đổi cơ cấu sản phẩm, dẫn đến việc chúng ta có thể sẽ mất thị trường", ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex chia sẻ.

Những cơ hội, thách thức cho nền kinh tế đã được nhận diện rõ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ tư do Báo Người Lao Động tổ chức với chủ đề "Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới". Theo các chuyên gia, xuất khẩu tuy có tăng về kim ngạch với mức 400 tỷ USD, nhưng tỷ lệ đóng góp vào GDP không tăng đáng kể, cũng chỉ khoảng 25%, còn lại 75% vẫn đến từ khu vực nội địa. Do đó, các hoạt động kinh tế trong nước cần được quan tâm nhiều hơn để tạo động lực mới cho tăng trưởng. Điều này cũng giúp hạn chế những tác động tiêu cực từ các thay đổi lớn trên thị trường thế giới.

Nền Kinh tế tự tin hơn trước những diễn biến khác thường

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhận định: “Chính quyền mới của ông Donald Trump lên thì chắc chắn những chuyện liên quan đến bảo hộ thương mại, điều tra chống bán phá giá sẽ ở mức độ căng thẳng hơn, và rõ ràng chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để kiểm soát được rủi ro này như chúng ta đã từng làm trước đây và thời gian tới. Thứ hai là chúng ta dứt khoát phải nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội địa chúng ta.”

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Nền tảng vĩ mô hiện nay của chúng ta nhìn chung là vững, và tôi nghĩ rằng thậm chí đang vững lên nhờ lòng tin, lòng tin căn cứ vào các thông điệp của Đảng và Nhà nước mang tính cải cách, kể cả cách tổ chức bộ máy, cách tinh giản biên chế nó thể hiện ra ngay.”

Sau những lần ứng biến trước những diễn biến khác nhau của thị trường, lòng tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đang thực sự tăng lên. Quá trình này theo lời các doanh nghiệp là phải "vật lộn" để có thể vượt qua. Dù khó khăn, nhưng đây cũng sẽ tiếp tục là yếu tố cần thiết để tạo ra động lực tăng trưởng mới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: