(HTV) - Hiệu ứng FOMO luôn tồn tại trong bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Tuy nhiên, FOMO trở nên đặc biệt và quan trọng hơn trong lĩnh vực kinh tế.
FOMO (Fear of Missing Out) là một thuật ngữ ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ, đánh mất cơ hội. Nói chi tiết hơn về hội chứng này, HTV đã có một bài về khái niệm cũng như cách mà FOMO tác động đến con người trong xã hội.
Ở bài viết này, ta cùng bàn thêm về hiệu ứng FOMO được những nhà marketing sử dụng như thế nào trong lĩnh vực kinh tế.
FOMO trong kinh doanh
Hiệu ứng FOMO tồn tại trong mọi lĩnh vực, nhưng đặc thù nhất phải kể đến lĩnh vực kinh tế. Các thương hiệu hoặc những người kinh doanh thường lợi dung tâm lý FOMO để tối ưu hóa khả năng bán hàng, thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng.
Chính vì nỗi sợ hãi bỏ lỡ, FOMO kích thích nhu cầu mua của khách hàng tăng cao và tạo ra cảm giác kích thích khi mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ. Điều này không chỉ giúp tăng doanh số, tăng lượng sản phẩm bán ra mà còn gián tiếp làm cho thương hiệu càng thêm nổi tiếng.
Gucci luôn là thương hiệu sử dụng tốt tâm lý FOMO với những dòng sản phẩm Limited Edition xa xỉ của mình. Chỉ cần giảm số lượng sản phẩm bán ra dừng ở con số vài chục, vài trăm và gắn mác là “số lượng có hạn” mà những dòng sản phẩm này của Gucci ngày càng nổi tiếng và được nhiều người săn đuổi, thậm chỉ sẵn sàng mua lại với cái giá gấp chục lần giá gốc. Từ đó, sản phẩm của Gucci thậm chí càng ngày càng tăng giá trị của nó theo thời gian.
Apple cũng là một thương hiệu sử dụng khá tốt hiệu ứng FOMO khi đã khẳng định được tầm cỡ thương hiệu của mình trong làng smartphone nói riêng và công nghệ nói chung. Nếu như nói về một chiếc điện thoại sang trọng và hiện đại, chắc chắn đa số mọi người sẽ lựa chọn Iphone. Chính vì thế, mỗi khi có một sản phẩm Iphone đời mới xuất hiện, hiệu ứng FOMO sẽ khiến cho người tiêu dùng đổ xô đi mua mặc dù đôi khi là chưa thật sự cần thay điện thoại, vì trong tâm lý của người tiêu dùng lúc đó nghĩ rằng, nếu như mình không có một con Iphone thì mình chưa bắt kịp được với xu hướng của thời đại.
Các nhà marketing đã lợi dụng tâm lý FOMO như thế nào?
Như các ví dụ trên, ta có thể thấy biểu hiện phổ biến của FOMO trong kinh doanh là việc mọi người sợ bị bỏ lỡ một món hàng, sản phẩm hay dịch vụ gì đó và cần mua món hàng đó ngay lập tức vì bản thân muốn trở thành một phần của một tập thể, cộng đồng sử dụng sản phẩm đó. Đánh vào tâm lý đó, các nhà marketing đã tạo ra các chiến lược kinh doanh để tối ưu hóa khả năng bán hàng.
Các nhà tiếp thị thường sử dụng các kỹ thuật như giới hạn số lượng sản phẩm, tạo ra cảm giác khẩn cấp để khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng hoặc mua sản phẩm ngay lập tức, tạo ra sự khan hiếm bằng cách thông báo số lượng sản phẩm còn lại hoặc thời hạn khuyến mãi, hoặc sử dụng các đánh giá hoặc lời nhận xét tích cực từ khách hàng trước đó để thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm.
Ngoài ra, nếu như các bạn là những người có thói quen mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, chắc hẳn các bạn cũng đã thấy những món hàng gắn mác “giảm giá” và giá giảm đó sẽ kết thúc trong vài giờ nữa. Đây cũng là chiến lược kinh doanh đánh vào tâm lý FOMO, chúng ta sợ rằng thời gian giảm giá sẽ hết và chúng ta sẽ bỏ lỡ món hàng với cái giá hời, từ đó kinh thích nhu cầu thèm mua của bản thân mặc dù chúng ta không thật sự có nhu cầu với món hàng này.
Sự khan hiếm và cấp bách chính là chiêu thức thường làm đánh thức “hiệu ứng FOMO” của người tiêu dùng. Một khuyến mãi vào khung giờ nhất định nào đó, khuyến mãi với số lượng sản phẩm nhất định chính là những chiến lược thông thường nhưng rất hiệu quả vì nó đánh vào bản năng sợ bị bỏ lỡ món hời của người tiêu dùng.
Ngoài ra, còn một chiến thuật khác để đánh vào hiệu ứng FOMO mà thường hay sử dụng để tiếp thị trên các nền tảng mạng xã hội gần đây. Nếu các bạn là một người sử dụng nhiều các nền tảng mạng xã hội thì sẽ thấy đang có xu hướng nổi rầm rộ liên tục những món ăn, thức uống tuy trông rất bình thường nhưng lại rất viral. Những sự nổi lên rầm rộ của “trà mãng cầu”, “bánh đồng xu”, “trà chanh giã tay” chính là hệ quả của chiến lược marketing dựa vào hiệu ứng FOMO trong kinh doanh.
Đầu tiên, các thương hiệu khi muốn quảng bá một sản phẩm nào đó bằng chiến lược này, họ sẽ bỏ chi phí ra để thuê thật nhiều các KOL, người nổi tiếng đến trải nghiệm thử và đăng tải cảm nhận của mình lên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Tiktok, Facebook. Sau khi những người tiêu dùng xem được, họ sẽ có cảm giác mong muốn được sử dụng thử sản phẩm và dịch vụ, từ đó tạo nên một làn sóng dư luận về sản phẩm đó.
Sau khi sản phẩm đã trở nên phổ biến, tâm lý chung của người tiêu dùng khi nhìn thấy sản phẩm sẽ là “thử một cái cho biết với mọi người”. Từ đó sẽ kích thích nhu cầu ham muốn mua sản phẩm này của thị trường, mà thứ kích thích họ không đến nhiều từ chất lượng hay điểm đặc biệt của sản phẩm mà đến từ dư luận, từ sự nổi tiếng.
Nhờ chiến dịch truyền thông dạng này, nhiều thương hiệu nhỏ và trung đã có thể bán được mặt hàng vượt chỉ tiêu và chen chân được vào trong các thị trường lớn. Tuy nhiên cái gì dễ đến cũng sẽ dễ đi, các mặt hàng có thể trường tồn với thời gian hay không phụ thuộc lớn vào chất lượng và điểm độc đáo của sản phẩm. Những sản phẩm nổi lên từ dư luận và sự nổi tiếng thường sẽ có vòng đời không quá dài.
FOMO trong chứng khoán và crypto
Trong chứng khoán, hiệu ứng FOMO được thể hiện bằng việc bản thân cảm thấy bị bỏ lại khi không mua vào/bán ra một loại cổ phiếu nào đó khi chúng đang trên đà tăng giá. Từ đó các nhà giao dịch hoặc nhà đầu tư không tiếp tục chờ một cơ hội tốt để mua vào/bán ra cổ phiếu mà thay vào đó họ lập tức giao dịch vì sợ bị bỏ lỡ một cơ hội lớn. Điều này có thể dẫn đến những quyết định giao dịch không kỹ lưỡng, có thể tạo ra các rủi ro như mất tiền, giao dịch lỗ.
Ngoài ra, tâm lý FOMO cũng có thể dẫn đến hiện tượng đầu tư theo trào lưu, khi nhà đầu tư không cân nhắc kỹ lưỡng về giá trị và tiềm năng tăng trưởng của một cổ phiếu hoặc tài sản khác, mà chỉ đơn giản là đầu tư vào một tài sản vì nó đang "hot" hoặc "được nhiều người quan tâm".
Đây chính là điểm chết người của căn bệnh FOMO trong chứng khoán. Có một câu nói nổi tiếng trong giới đầu tư là “khi thị trường tham lam thì đó là lúc nên rời khỏi cuộc chơi”, vì đó cũng chính là lúc hiệu ứng FOMO phát huy tác dụng đến đỉnh điểm. Tâm lý, nhà đầu tư không thể đứng im ngoài cuộc khi “người người trade, nhà nhà trade” – và bong bóng giá sẽ nổi lên, cũng chính là lúc thị trường dễ rơi nhất. Đôi khi giao dịch để bằng bạn bằng bè không hẳn là một quyết định quá hay ho và đúng đắn, ngược lại nó sẽ làm ta dễ có khả năng lỗ tiền hơn khi mua phải những cổ phiếu đang ở mức giá cao mà không biết rằng tương lai nó sẽ tiếp tục tăng hay giảm về con số cũ.
Crypto và tiền điện tử cũng gặp cảnh tương tự, hiệu ứng FOMO đôi khi sẽ làm chúng ta đưa ra những quyết định mua tiền ảo không hợp lý. Khi người người nhà nhà đang đầu tư vào một đồng tiền nào đó, ta nên bình tĩnh và kiểm tra kỹ về khả năng sinh lời trước khi ra quyết định đầu tư cho bằng với mọi người. “Đu đỉnh” trong crypto và tiền điện tử chưa bao giờ là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Và đây chính là những phương thức và chiến lược mà các nhà tiếp thị sử dụng để lợi dụng hiệu ứng FOMO trong việc kinh doanh của bản thân, cũng như việc hiệu ứng FOMO sẽ ảnh hưởng như thế nào trong crypto và tiền điện tử. Mong rằng sau bài viết này, các độc giả sẽ có một cái nhìn đa diện hơn và có những ý tưởng chiến lược tốt nếu như là các nhà marketing nhé.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9