(HTV) - Lo lắng, hoảng loạn khi đối mặt với biển cả, tưởng tượng điều kinh hoàng dưới mặt nước, đây chính là triệu chứng của nỗi sợ biển cả Thalassophobia.
Chắc hẳn sẽ có một số độc giả khi vô tình nhìn thấy những hình ảnh, video về biển cả, đáy biển sẽ có một nỗi sợ hoặc rợn người. Đây chính là một biểu hiện của hội chứng sợ biển cả Thalassophobia.
Thalassophobia là hội chứng trong tâm lý học chỉ nỗi sợ những vùng nước rộng và sâu. Thalassophobia là từ được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: Thalassa nghĩa là biển, phobos nghĩa là sợ hãi. Vậy nên thalassophobia có nghĩa là sợ biển.
Chính vì vậy, người mắc chứng Thalassophobia sẽ có cảm giác sợ hãi, khó chịu khi nhìn thấy biển, đại dương hoặc các khu vực nước lớn.
Nếu chỉ nhìn sơ khái niệm, Thalassophobia là hội chứng sợ nước nói chung, nhưng thực tế hội chứng này không đơn giản như vậy. Họ sẽ không sợ nước trong tất cả tình huống, người mắc chứng này sẽ cảm thấy sợ hãi chủ yếu xung quanh các vùng nước lớn hoặc sâu. Đại dương là ví dụ điển hình nhất, nhưng đôi khi một số người mắc chứng bệnh này có thể cảm thấy sợ hãi khi ở gần hồ bơi hoặc công viên nước.
Hội chứng Thalassophobia thường hay bị nhầm lẫn với hội chứng Aquaphobia, chứng bệnh sợ bất kỳ loại nước và nguồn nước nào, kể cả nước trong nhà vệ sinh, bồn tắm, và hội chứng Hydrophobia, thường sẽ bắt gặp ở người mắc bệnh dại.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến mắc phải hội chứng Thalassophobia như sau:
- Yếu tố di truyền: Theo các nghiên cứu, chứng ám ảnh có thể được di truyền. Vì vậy nếu trong gia đình bạn mắc phải hội chứng này thì cũng có khả năng bạn mắc phải.
- Môi trường: Nếu như bạn trải qua một biến cố liên quan đến biển và nước như đuối nước hoặc chứng kiến người khác đuối nước, những điều này sẽ làm bạn có chứng ám ảnh với nước.
- Yếu tố sinh học: Có thể não bộ bị rối loạn chức năng trong việc xử lý nỗi sợ, và đây là tiền đề tạo nên sự phát triển của hội chứng Thalassophobia.
Giải pháp
Đối với những trường hợp mắc bệnh nặng, ta có thể dần dần kiểm soát và hạn chế được nỗi sợ bằng liệu pháp tiếp xúc có kiểm soát.
Người mắc hội chứng ám ảnh với biển có thể bắt đầu bằng việc xem các hình ảnh về biển cả, đại dương, vùng nước sâu. Sau đó, người bệnh có thể gia tăng mức độ bằng cách xem video. Khi người bệnh dần quen với cường độ, bệnh nhân sẽ được đưa đến vùng biển, vùng nước hoặc hồ bơi để tập làm quen với nỗi sợ. Cả liệu pháp tiếp xúc một đợt và nhiều đợt đều có thể có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng ám ảnh cụ thể.
Ngoài liệu pháp trên, thiền định cũng là một liệu pháp mà người bệnh có thể áp dụng để hạn chế nỗi sợ. Thiền định có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi mà bạn đang trải qua vào lúc này và trở nên tự nhận thức hơn.
Thalassophobia là một trong những nỗi ám ảnh tương đối phổ biến và cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến với cuộc sống thường ngày. Chính vì vậy bạn đừng quá lo sợ nếu như nhận ra mình mắc chứng bệnh mà hãy tìm cách làm quen hoặc thuyên giảm nếu như có những dịp đi chơi biển nhé.