(HTV) - Ngày trăng tròn tháng Tám đã cận kề, không khí Trung thu đã len lỏi vào từng ngóc ngách phố phường. Đây cũng là lúc mà những nghệ nhân nơi làng nghề Phú Bình như nghệ nhân Thành, đang tất bật làm ra những chiếc lồng đèn truyền thống đón Trung thu.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành - Nghệ nhân làm lồng đèn Trung thu truyền thống
Làng nghề lồng đèn Phú Bình đã có truyền thống làm lồng đèn hơn năm thập kỷ nay. Vốn là nơi mà những nghệ nhân làng Bác Cổ (Nam Định) di dân vào Nam những năm 54 của thế kỷ trước, cũng là nơi mà nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành đã sinh ra và gắn bó gần như cả cuộc đời.
Nghệ nhân Thành đã gắn bó với chiếc lồng đèn trong suốt hơn 50 năm ở nhiều góc độ. Từ khi chiếc lồng đèn chỉ là một món đồ chơi phá cỗ trong mắt của một đứa trẻ, sau đó được tự tay làm những công đoạn đơn giản bố mẹ giao phó, rồi đến khi thực hiện những công đoạn phức tạp hơn, như tô vẽ, sáng tạo hình thù và đến bây giờ là một người thầy, một người truyền lửa, một người gìn giữ những đốm sáng rực rỡ của đêm Trung thu.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành và chiếc lồng đèn truyền thống đã gắn bó cùng nhau từ những mùa Trung thu đầu tiên của đời ông
Ông Thành chia sẻ tuổi thơ cứ vào dịp Trung thu, sẽ được bố mẹ tập cho làm những công đoạn đơn giản trong việc hoàn thiện một chiếc lồng đèn truyền thống, như đắp hồ, dán giấy. Là con nhà nghề, từ sớm, dù chưa thể tự tay hoàn thành một chiếc đèn, song, ông đã có những ý tưởng sáng tạo, và nhờ bố mẹ hiện thực hóa những ý tưởng đó, làm cho chiếc lồng đèn rước cỗ của mình được “độc đáo hơn” so với bạn bè cùng trang lứa.
Đến khi lớn lên, với đam mê, và năng khiếu, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Thành cũng bắt đầu có những bước chân đầu tiên trong nghề làm đèn Trung thu truyền thống. Ông nhớ lại vào thời hoàng kim có tới “cả trăm nhà làm”, như nơi ông đang cư ngụ dù chỉ “100 mét thôi”, vậy mà có tới “hơn 10 nhà làm”, người mua kẻ bán tấp nập, vô cùng náo nhiệt.
Rồi cũng có khi “hàng ngoại về nhiều”, lồng đèn truyền thống khó tiêu thụ hơn, ông Thành buộc phải xa nghề, xa niềm đam mê, xa chiếc lồng đèn vốn đã đã gắn bó với cả tuổi thơ, thời niên thiếu của mình để chuyển sang làm một công việc khác để mưu sinh kiếm sống.
Đã từng có lúc ông Thành buộc phải rời xa ánh sáng từ những chiếc lồng đèn giấy kiếng
Tuy vậy, dù thị hiếu có thay đổi, những chiếc lồng đèn truyền thống vẫn tỏa sáng trong mỗi dịp Trung thu. Đó cũng là lúc, mà nhiều nơi liên lạc lại với ông, họ “nhớ” những chiếc lồng đèn lung linh, đẹp mắt của nhà ông, đó cũng là động lực để thổi bừng lại ngọn lửa đam mê nhiệt huyết, như những ánh sáng trong những sản phẩm của ông, dù nhỏ, nhưng lúc nào cũng rực rỡ sắc màu.
Những năm trở lại đây, ông Thành chia sẻ các đơn đặt hàng lồng đèn truyền thống đều ổn định hơn. Giá cả dao động có thể từ năm nghìn đồng cho đến hơn một triệu đồng, do có những đơn hàng được đặt riêng với những kích thước lớn, chất liệu riêng. Theo ông, những mặt hàng lồng đèn truyền thống đã khẳng định được vị trí trên thị trường, trong lòng của người mua. So với các lồng đèn điện tử, vào mỗi dịp Trung Thu, lồng đèn làm bằng tre và giấy kiếng đều có lượng người mua ổn định. Mặt hàng lồng đèn truyền thống tại xưởng còn được đặt bởi khách quốc tế, ông chia sẻ từng nhận đơn hàng từ các trường quốc tế ở Singapore.
Và rồi, những chiếc lồng đèn "tuổi thơ" lại trở lại với nhịp đập mới của thời đại
Trong tiểu luận “Theo giòng”, nhà văn Thạch Lam nhận định: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường”, mà nơi đó một nhà văn, hay một nghệ nhân như ông Thành phải “phát hiện cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”, những chiếc lồng đèn mà ông làm ra không chỉ đơn thuần là một món đồ chơi dành cho thiếu nhi, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi người nghệ nhân như ông phải có sự quan sát tinh tế trước những sự vật bình thường, học hỏi từ phim ảnh, sách vở, rồi sau đó, mới tới lúc mà đôi tay khéo léo của ông bắt đầu công việc tạo tác, đưa những ý tưởng của ông ra ngoài thực tế.
Tính duy mỹ thể hiện trong cách nhìn nhận, và phát hiện ra cái đẹp chính là nhân tố làm nên chất nghệ sĩ ở người nghệ nhân này
Tuy nhiên, như thế chỉ mới là một người nghệ sĩ, để được công nhận là một nghệ nhân, thì chính cái tâm với nghề là điều không thể không xem xét. Nói như Đại thi hào Nguyễn Du rằng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, ông Thành đã thể hiện “chữ tâm” của mình qua việc không ngừng tìm tòi, học hỏi để làm sao chuyển tải hết những giá trị truyền thống trong chiếc lồng đèn giữa dòng chảy hiện đại. Đó là nghiên cứu cách làm cho lồng đèn dễ đóng gói hơn, dễ vận chuyển hơn, màu sắc rực rỡ bắt mắt hơn cho hợp với thị hiếu. Chính điều đó là khẳng định “chữ tâm” của ông với nghề nghiệp.
Chưa dừng lại ở đó, tâm huyết của ông còn thể hiện qua tấm lòng với các em thiếu nhi, ông chia sẻ đó là một “niềm vui riêng” khi “làm ra sản phẩm cho em thiếu nhi”, các em thiếu nhi vốn dĩ là những khách hàng, nhưng, với cái tâm của một người nghệ nhân, ông xem niềm vui của các em như niềm vui của bản thân khi làm nghề, đó chính là một minh chứng rõ ràng cho hai chữ “nghệ nhân” của bản thân.
Suy cho cùng, với ông, lợi nhuận lớn nhất vẫn là tiếng cười trẻ thơ trước món đồ chơi không thể thiếu trong ngày Trung thu
Những sự tâm huyết của nghệ nhân Thành cũng như những người đồng nghiệp của ông đã trở thành một nền tảng vững chắc cho sự lạc quan và tự hào về cái nghề mà mình đã đam mê và theo đuổi suốt hàng chục năm qua. Đó cũng là nguyên nhân mà khi được hỏi về nỗi sợ rằng liệu rằng cái nghề của mình sẽ bị mai một đi hay không? Ông đã trả lời rất nhanh, và dứt khoát: “Không bao giờ”, ấy là một câu phủ định, nhưng lại mang hàm ý của một câu khẳng định cho sức sống mãnh liệt của nghề làm lồng đèn truyền thống, cũng là sự khẳng định cho niềm đam mê lớn lao luôn rực cháy trong lòng những nghệ nhân như ông.
Có thể thấy rằng, các nghề truyền thống sẽ không bao giờ mất đi nếu như vẫn còn những người nghệ nhân tâm huyết với nghề, những người bám trụ không chỉ bằng tài năng mà còn bằng ngọn lửa luôn rực cháy bên trong lồng ngực, trong đôi mắt, trong khối óc của họ – đó là ngọn lửa của đam mê. Ngọn lửa này vô cùng đặc biệt, nó chỉ bừng lên rực rỡ nhất khi hòa cùng dòng chảy của thời đại, nghĩa là những người nghệ nhân phải biết cách đưa đam mê vào đời sống, biến sản phẩm của mình trở thành một nhu cầu của thời đại. Chỉ có như thế, nghề nghiệp ấy mới có thể vượt qua lớp bụi mờ của thời gian, mà vươn lên hòa cùng với nhịp đập của thời đại.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9