(HTV) - Bạo lực học đường luôn được cảnh báo nhưng vẫn ngày càng tăng. Làm cách nào để giải quyết những mâu thuẫn trong trường học, kéo giảm bạo lực học đường và xây dựng trường học an toàn, yêu thương, là bài toán đặt ra cho ngành giáo dục.
Bạo lực học đường luôn được cảnh báo nhưng vẫn ngày càng tăng
Một trong số những lời giải đó là mô hình tư vấn tâm lý và nâng cao vai trò của giám thị trong trường học tại TP.HCM. Những yếu tố này khi được thực hiện đồng bộ đã bước đầu mang lại những thành quả tích cực.
Mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường được quận 3 xây dựng từ cách đây 1 năm. Có 2 hình thức tư vấn là trực tuyến và trực tiếp. Người tư vấn không phải là giáo viên của nhà trường mà là các chuyên gia tâm lý. Thông qua bài trắc nghiệm, nói chuyện, chuyên gia sẽ sàng lọc, đánh giá và phát hiện sớm các vấn đề tâm lý ở học sinh.
Mô hình phỏng vấn học đường trực tuyến
Không ít các vụ mâu thuẫn học đường cả trong và ngoài nhà trường được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời từ chính mô hình này.
Cùng với giáo viên chủ nhiệm, thầy cô giám thị cũng là bộ phận hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường trong việc theo dõi biến động về xúc cảm của học sinh, để có thể hạn chế đến mức thấp nhất bạo lực trong học đường. Tuy nhiên, cái khó hiện nay với các trường là sự thiếu hụt đội ngũ giám thị chuyên trách.
Thầy cô giám thị cũng là bộ phận hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường trong việc theo dõi biến động về xúc cảm của học sinh
Thầy Nguyễn Văn Ngãi - Phó Hiệu trưởng Trường THPT đảo Sơn Tây, TP. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ “Thầy cô là những người vừa dạy vừa quản lý học sinh thì không thể bằng giáo viên chuyên trách được, mà để giáo viên chuyên trách thì không có rõ ràng nên cũng khó khăn 1 chút xíu.”
Phần lớn các vụ bạo lực học đường chủ yếu xảy ra ở độ tuổi từ 12 đến 17. 70% học sinh ở lứa tuổi này khi được hỏi đều có nhu cầu được chia sẻ, đồng hành về tâm lý. Do vậy, việc xây dựng một đội ngũ giám thị có chuyên môn và hiểu cơ bản kiến thức về tâm lý tuổi học đường là điều mà các trường có thể thực hiện để trường học ngày càng thân thiện như mái nhà thứ hai cho học sinh.
Phần lớn các vụ bạo lực học đường chủ yếu xảy ra ở độ tuổi từ 12 đến 17