(HTV) - Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Bảo tàng TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc" (1954 - 1975).
Nằm trong chuỗi các hoạt động Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Genève và Sự kiện Tập kết chuyển quân ra Bắc (1954 - 2024); Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Bảo tàng TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc" (1954 - 1975).
Trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc" (1954 - 1975)
Triển lãm tái hiện lại những kỷ niệm thời mực tím - thuở học trò phải xa quê hương, người thân, để tự lập của những Học sinh miền Nam; phản ánh sâu sắc tình cảm chan chứa yêu thương, thắm đượm tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà nhân dân của đồng bào hai miền Nam - Bắc dành cho nhau, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục vun đắp dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Đến dự khai mạc có nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Đồng chí Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương cùng các thế hệ học sinh miền Nam tham quan trưng bày chuyên đề
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề "Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954- 1975)"
Ông Phạm Minh Hiền - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975
Ông Phạm Minh Hiền - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975 chia sẻ: “Tập sách có nhan đề "Khối 8 đầu tiên Trường học sinh miền Nam - số 24 Hải Phòng năm học 1957 - 1958". Đây là khối cấp 3 đầu tiên được đào tạo từ trường học sinh miền Nam. Từ năm 1957 - 1960, khối này hoàn thành chương trình THPT và cũng là lứa đầu tiên vô các trường Đại học trong nước và nước ngoài. Có thể nói không có trường nào trên đất nước Việt Nam mà toàn thể học sinh tốt nghiệp Đại học hết. Và sau đó chúng tôi đều trở thành những cán bộ ở tất cả các ngành, nói lên công đào tạo của trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, được Bác Hồ, Chính phủ, Nhân dân quan tâm và nuôi dưỡng là một thành công trong hệ thống giáo dục XHCN. Chúng tôi xin gửi lại như một phần nhỏ trong giai đoạn đầu tiên của học sinh miền Nam trên đất Bắc”.
Ông Trần Tự Tân - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975
“Được các thầy cô chăm sóc từ ăn ở, dạy học, chúng tôi đều sống tập thể. Và với môi trường học sinh miền Nam rất tốt, anh em đùm bọc sống thương yêu lẫn nhau”, ông Trần Tự Tân - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975 bày tỏ.
Quyển sách là một trong số hơn 300 tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trao tặng và trưng bày tại triển lãm lần này, nhằm tái hiện lại quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc, giai đoạn 1954 - 1975. Và khi có dịp được trò chuyện cùng các cô chú, câu "Ngày Bắc đêm Nam" thời bấy giờ vẫn được nhắc nhớ với niềm cảm xúc dạt dào.
“Khi chúng tôi tập kết ra Bắc có giơ hai ngón tay hẹn hai năm thống nhất trở về. Nhưng sau 1957, anh em chúng tôi rất nóng ruột. Thậm chí, một số anh em không chịu học và đòi vào Nam để chiến đấu. Vì vậy phải nói là tuy sống ở miền Bắc nhưng cái tâm luôn nghĩ đến miền Nam”, ông Trần Tự Tân nhớ lại.
Ông Phạm Minh Hiền chia sẻ: “Đồng bào miền Bắc đã nhường cho mình tất cả những gì tốt đẹp nhất từ chỗ ở, bát cơm, chén nước, cho đến những gì tốt đẹp nhất đều dành cho miền Nam. Kể cả việc học hành với những ngôi trường và người thầy cô yêu thương giàu kinh nghiệm. Đó là tất cả những gì chúng tôi không bao giờ quên được”.
Ông Lương Quang Thoại - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975
Ông Lương Quang Thoại - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975 chia sẻ: “Ngày Bắc là thời gian hiện giờ tụi tôi đang sống ở trường hoặc ra ngoài cùng các anh chị em miền Bắc. Sự chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, của Đảng và các thầy cô chú ngoài Bắc đối với chúng tôi không thể nào nói hết được. Đêm Nam tức là nhớ gia đình, nhớ bố mẹ của mình”.
Triển lãm "Học sinh miền Nam trên đất Bắc": Gợi nhớ ký ức “Ngày Bắc đêm Nam"
Bày tỏ về ý nghĩa của triển lãm, ông Phạm Minh Hiển nhận xét: “Triển lãm này có ý nghĩa về mặt truyền thống, để chẳng những thế hệ chúng tôi nhớ lại, mà cả thế hệ mai sau này vẫn tiếp tục phát huy truyền thống và luôn ghi nhớ rằng: sự trưởng thành của mình, đóng góp của mình là do công ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ và Nhân dân hai miền Bắc Nam nuôi dạy”.
Bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975
“Khi học ở trường học sinh miền Nam, chúng tôi là những lớp trẻ nhỏ thiếu nhi nên được mang khăn quàng đỏ từ thời đấy. Sau bao nhiêu năm, bây giờ được trở lại quàng chiếc khăn đỏ như hôm nay, mỗi chúng tôi đều có một cảm xúc rung động về những ngày xa quê”, bà Nguyễn Thị Trúc Quỳnh - Cựu học sinh miền Nam 1954-1975 xúc động chia sẻ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9