Ngày mai (11/7) sẽ có giao hội giữa Mặt Trăng với các hành tinh

QUỲNH NHƯ Tổng hợp // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/7/2023, 16:09

Mặt Trăng sẽ đi qua khu vực bầu trời nơi có ba hành tinh nhóm trong của Hệ Mặt Trời.

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VAAC), trong tháng này, Mặt Trăng sẽ đi qua khu vực bầu trời nơi có ba hành tinh nhóm trong của Hệ Mặt Trời là Sao Thủy, Sao Kim và Sao Hỏa, cũng như hai hành tinh lớn nhất của Hệ nằm ở xa hơn là Sao Mộc và Sao Thổ.

Đầu tiên, bạn sẽ thấy hai hành tinh khí khổng lồ là Sao Mộc và Sao Thổ nằm ở gần Mặt Trăng ngay đầu tháng này, vào trước lúc Mặt Trời mọc. Những ngày sau đó, tới lượt ba hành tinh gần chúng ta hơn sẽ xuất hiện ở gần Trăng lưỡi liềm vào sau lúc Mặt Trời lặn.

Cả 5 hành tinh này đều có thể dễ dàng được nhìn thấy bằng mắt thường từ bất cứ nơi đâu trên thế giới, miễn là bạn có một bầu trời đủ trong (không mây, ít ô nhiễm). Tuy nhiên, một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ sẽ giúp bạn có được cái nhìn tốt hơn nhiều.

Cuộc giao hội thú vị giữa Mặt Trăng và các hành tinh

Cuộc giao hội đầu tiên xảy ra vào ngày 7/7, khi Trăng khuyết xuất hiện ngay gần Sao Thổ lúc rạng sáng và bạn có thể nhìn thấy chúng cho tới tận lúc bình minh ở bầu trời phía Đông Nam.

Vào ngày 11/7, sao Mộc sẽ tham gia vào cuộc gặp này, bạn sẽ thấy nó nằm thấp hơn Mặt Trăng và có thể quan sát cho tới tận sáng.

Vào nửa sau của tháng 7, khi Trăng đang sang chu kỳ pha mới, ba hành tinh ở gần chúng ta hơn sẽ thế chỗ cho hai hành tinh khí khổng lồ. Bạn sẽ thấy Sao Thủy, Sao Kim và Sao Hỏa ở gần Mặt Trăng vào sau lúc Mặt Trăng lặn trong những ngày từ 19 - 21/7.

Sao Thủy sẽ hơi khó để nhận ra vì nó khá mờ, trong khi Sao Kim vẫn là một điểm sáng mà bạn khó có thể nhầm với bất cứ ngôi sao nào khác. Còn Sao Hỏa, nó khá sáng với màu đỏ nổi bật, nhưng hãy thận trọng để không nhầm nó với sao Regulus - một ngôi sao sáng trong chòm sao Leo mà thời điểm đó đang nằm ở khu vực giữa Sao Kim và Sao Hỏa (khi nhìn từ Trái Đất).

Bạn có thể tham khảo thêm và xác định chính xác thời điểm và vị trí của những thiên thể này qua thông tin trên TimeandDate.com hoặc qua những ứng dụng mô phỏng bầu trời như Stellarium.

Nguồn: Sức Khỏe & Đời Sống

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: