(HTV) - Trong dịp Tết Nguyên đán, sưu tầm tranh dân gian cũng là một thú chơi tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Qua thăng trầm thời gian, thú chơi tranh Tết đang dần trở lại dưới bàn tay phục dựng của một số ít nghệ nhân, họa sĩ.
Theo phong tục xưa, năm mới thay tranh cũ trong nhà không chỉ mang ý nghĩa "tống cựu, nghinh tân" mà còn gửi gắm ước vọng năm mới sung túc, đủ đầy.
Vẽ tranh Tết - Hoạt động thú vị cho du khách khi đến Việt Nam
Các dòng tranh dân gian xưa đều vận dụng những chất liệu có sẵn của dân tộc như giấy dó, giấy điệp, giấy hồng điều. Về bút pháp, tranh sử dụng kỹ thuật đồ họa và những nét mạnh khỏe hoặc thanh mảnh khác nhau.
Là một người trẻ thuộc thế hệ 9X, anh Trần Quốc Đức là họa sĩ hiếm hoi theo đuổi cả ba dòng tranh dân gian: Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng. Từ khi còn là sinh viên Đại học Mỹ thuật, anh Đức nhận thấy người xưa đã gửi rất nhiều tâm tư, tình cảm cũng như kỹ thuật vẽ điêu luyện vào các bức tranh dân gian. Anh đã đam mê học hỏi và vận dụng. Đến nay, anh có thể phục dựng được cả ba dòng tranh này.
Họa sĩ 9X gìn giữ nét đẹp tranh dân gian
Không dừng lại ở việc bảo tồn tranh cổ, điều đặc biệt là họa sĩ đã tìm cách phối màu mới và đưa thêm ý tưởng mới theo hơi thở thời đại. Ví như bức "An Khang", anh sáng tác dành riêng cho năm mới Giáp Thìn.
Những năm gần đây, tranh dân gian đã có chỗ đứng không thể thiếu trong các lễ hội văn hóa dịp Tết. Mặc dù để tìm mua tranh không dễ vì các họa sĩ không làm vì mục đích kinh doanh, nhưng những buổi trải nghiệm làm tranh đã góp phần bảo tồn và khơi dậy các giá trị truyền thống.
Với sắc màu rực rỡ, đường nét độc đáo, tranh dân gian Tết tạo những giá trị thẩm mỹ, triết lý và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc bảo tồn và làm mới tranh trong đời sống hiện đại đã góp phần làm lan tỏa thêm một nét văn hóa của dân tộc đến với mọi người dân.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9