Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa TP.HCM chính thức trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

MINH TÒNG – MINH TẤN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 31/3/2025, 13:37

(HTV) - Tại Nhà hát Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa nghệ thuật Lân, Sư, Rồng của người Hoa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật Lân, Sư, Rồng chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia trong Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Không chỉ là một màn trình diễn mang tính giải trí, từ lâu, nghệ thuật Lân, Sư, Rồng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Sài Gòn – Gia Định, TP.HCM. Chứng kiến những màn biểu diễn đầy màu sắc và âm thanh, du khách quốc tế cũng không khỏi bày tỏ sự thích thú.

Ông Mahmood Kohenoor - Du khách đến từ Afghanistan cho biết: "Tôi đã ở TP.HCM được gần tám tháng rồi, tôi thực sự đang tận hưởng cuộc sống ở thành phố xinh đẹp của các bạn. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy màn trình diễn nào sôi động, nhiều màu sắc cùng các âm thanh sôi động như vậy. Đây là nguồn cảm hứng để tôi tìm hiểu nhiều hơn về nền văn hoá của đất nước Việt Nam".

Với ba linh vật mang tính biểu tượng cao, trong đó Lân tượng trưng cho điềm lành, Sư biểu trưng cho sức mạnh và Rồng hiện thân cho quyền uy, từ lâu, loại hình nghệ thuật này không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục đạo đức, tinh thần đoàn kết cộng đồng mà còn thể hiện kỹ thuật biểu diễn tinh xảo kết hợp âm nhạc, trang phục và võ thuật dân tộc.

Nghệ nhân Lưu Kiến Xương cùng Đoàn Lân Sư Rồng Nhơn Nghĩa Đường tới tham gia biểu diễn trong buổi lễ.

Để làm nên những màn trình diễn ấn tượng ấy, sự phối hợp nhịp nhàng của cả tập thể là yếu tố then chốt. Ông Lưu Kiến Xương - Đoàn Lân - Sư - Rồng Nhơn Nghĩa Đường, TP.HCM cho biết: "Lân, Sư, Rồng là một môn thể thao tập thể, mà cái khó nhất chính là sự đồng tâm hiệp lực. Giống như múa Rồng, thường có khoảng 10 người cùng biểu diễn, mỗi người một động tác khác nhau nhưng phải phối hợp nhịp nhàng. Đó là sức mạnh của sự đồng lòng".

Việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho nghệ thuật Lân, Sư, Rồng tại TP.HCM. "Việc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghệ thuật Lân, Sư, Rồng Sài Gòn của cộng đồng người Hoa tại thành phố sẽ góp phần vào sự phát triển của du lịch thành phố và các tỉnh, thành khác. Chúng tôi cũng định hướng sẽ dần khôi phục các loại hình múa Lân, múa Rồng truyền thống như Rồng dạ quang và đặc biệt là các thể loại võ lân nhằm mang lại giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, giúp người dân hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này", ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM kỳ vọng vào tương lai của nghệ thuật Lân, Sư, Rồng.

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật Lân, Sư, Rồng trong đời sống văn hóa thành phố: "Lân, Sư, Rồng không chỉ mang lại niềm vui cho đồng bào người Hoa và các dân tộc khác đang sinh sống tại TP.HCM mà còn là hoạt động khẳng định vai trò của thành phố như một nơi hội tụ văn hóa vùng miền".

Cùng với việc vinh danh nghệ thuật Lân, Sư, Rồng, TP.HCM cũng chú trọng công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa. Tại buổi lễ, 7 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích cấp thành phố, nâng tổng số di tích được công nhận lên con số 200.

Tại buổi lễ, du khách và người tham gia được chiêm ngưỡng những màn trình diễn mãn nhãn từ các đoàn và nghệ sĩ múa lân trên thành phố.

"Tính đến nay, sau khi thành phố công nhận thêm 7 di tích, TP.HCM đã có tổng cộng 200 di tích. Trong đó có 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 58 di tích cấp quốc gia và 140 di tích cấp thành phố. Mỗi di tích là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ xưa, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của TP.HCM. Hiện nay, các di sản văn hóa đã trở thành tài sản quý giá đối với người dân và du khách", ông Thuận cho biết thêm.

Việc vinh danh nghệ thuật Lân, Sư, Rồng và tăng cường bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa cho thấy sự quan tâm sâu sắc của TP.HCM trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm nên bản sắc độc đáo của thành phố năng động này.

 

Ý kiến của bạn: