Trong y học thể thao các bác sĩ, chuyên viên y tế, vật lý trị liệu ngày đêm thực hiện sứ mệnh của mình, đóng góp không nhỏ cho sự thành công chung của thể thao nước nhà.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng thăm khám cho hậu vệ Hồ Tấn Tài
Trong tập luyện và thi đấu thể thao, chấn thương gần như là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh trang bị kiến thức về phòng tránh, sơ cứu chấn thương, việc điều trị, phục hồi khi có sự cố xảy ra cũng là mối quan tâm hàng đầu của các vận động viên. Nhiều năm qua, lĩnh vực y học thể thao đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và tâm huyết. Trong số này, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Quốc Hùng là người thường được "chọn mặt gửi vàng" cho các ca mổ của nhiều tuyển thủ quốc gia.

Bác sĩ Quốc Hùng là một người yêu thể thao
Trong hành trình gần 20 năm gắn bó với y học thể thao, vị bác sĩ quê Phú Yên này đã trực tiếp cầm dao phẫu thuật cho rất nhiều vận động viên ở các môn như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, võ thuật..., trong đó có nhiều ca tương đối nặng và phức tạp như trường hợp của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng vào năm 2021, khi anh bị gãy kín 1/3 hai xương cẳng chân dưới bên phải. Sau quá trình điều trị và phục hồi tích cực, tiền vệ CLB Hà Nội đã trở lại sân cỏ sau đúng 1 năm, được tin tưởng giao trọng trách thủ quân đội tuyển quốc gia. Gần đây nhất, bác sĩ Hùng đã phẫu thuật cho hậu vệ Hồ Tấn Tài, người bị đứt dây chằng chéo trước gối phải và rách sụn chêm ngoài trong quá trình thi đấu cùng đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024.
Trước đây, việc điều trị chấn thương thể thao thường được các câu lạc bộ hoặc bản thân vận động viên lựa chọn thực hiện ở nước ngoài, nhưng với sự phát triển của y học thể thao tại Việt Nam hiện nay, lựa chọn điều trị trong nước đã trở nên phổ biến hơn. Nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam đều đã có chuyên khoa y học thể thao, bên cạnh các trung tâm phục hồi chấn thương thể thao được thành lập bởi bác sĩ đội tuyển Việt Nam Trần Huy Thọ hay cựu tuyển thủ quốc gia Lương Xuân Trường.