(HTV) - Liên tiếp nhiều vụ việc ngộ độc thực phẩm gia tăng tại các địa phương điển hình như vụ ngộ độc do ăn bánh mì tại TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã khiến hơn 400 người nhập viện, trong đó có nhiều trẻ em trong tình trạng nặng.
Tại TP.HCM cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ở TP. Thủ Đức cũng nghi liên quan đến thức ăn đường phố. Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng việc quản lý thức ăn đường phố, nhất là trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.
Các em học sinh tiểu học nhập viện vì ngộ độc thực phẩm
Vụ việc 16 học sinh tiểu học trên địa bàn quận Thủ Đức nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm do ăn sushi, bánh mì được bày bán trước cổng trường, hiện vẫn đang được theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ rằng sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm y tế TP. Thủ Đức và các cơ quan chức năng đã đến các trường tiểu học có học sinh nghi ngộ độc thực phẩm để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời mời những người buôn bán có liên quan đến làm việc.
TP.HCM tăng cường công tác an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng
Dù biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thế nhưng thức ăn đường phố hiện vẫn là lựa chọn của nhiều người bởi tính tiện lợi.
TP.HCM có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố. Việc quản lý thức ăn đường phố được phân cấp cho các phường, xã quận huyện. Hiện nay thời điểm nắng nóng diễn biến phức tạp, vì vậy, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhất là trong bối cảnh một số địa phương có các ca ngộ độc thực phẩm liên quan thức ăn đường phố, nên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đến cộng đồng. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đang được Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM tăng cường triển khai trên toàn Thành phố.
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hại cho sức khỏe
Mùa nắng nóng đang diễn ra gay gắt tại TP.HCM và với điều kiện thời tiết này, nguy cơ hư hỏng thực phẩm và ngộ độc thực phẩm tăng cao. Việc lưu trữ thực phẩm ngoài trời trong thời tiết nắng nóng kéo dài có thể dẫn đến việc thực phẩm bị ô nhiễm và gây hại cho sức khỏe. Do đó, người dân lẫn người kinh doanh, các cơ sở chế biến thức ăn cần chú ý nhiều hơn trong lựa chọn nguồn nguyên liệu. Lập tức ngừng sử dụng nếu thấy thực phẩm có dấu hiệu lạ.