Nhiều hiến kế về phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cho TP.HCM

HỒNG DIỄM - QUỐC SỬ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 16/9/2023, 10:20

(HTV) - "Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - kinh nghiệm trong nước và quốc tế hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không", đây là nội dung của một trong ba phiên thảo luận song song diễn ra chiều 15/9.

Nhiều mô hình hay, giải pháp có tính khả thi và những đề xuất sát sườn với thực tiễn và đặc thù của TP.HCM đã được các diễn giả trong nước và quốc tế thẳng thắn chia sẻ. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Phiên thảo luận

Phát biểu gợi mở, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Phiên thảo luận sẽ phân tích sâu hơn những nội dung cốt lõi của tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, qua đó tìm kiếm những giải pháp có tính khả thi, có hiệu quả cao nhất cho siêu đô thị TP.HCM. Trong đó làm sao làm rõ trách nhiệm của các bên gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

"Chúng tôi mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, diễn giả. Hy vọng rằng thời gian ngắn nhưng với nhiều hiến kế của quý vị để TP.HCM xây dựng được một khung chính sách, một bộ tiêu chí và một kế hoạch hành động hết sức cụ thể, thiết thực, có thể đo lường để chúng ta cùng với các địa phương khác trên thế giới xây dựng cho nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững và giữ gìn hành tinh xanh của chúng ta", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan kỳ vọng.

Xác định việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn bao gồm nhiều đầu việc và cần thời gian dài, diễn giả cho rằng, TP.HCM cần chủ động đưa ra chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với đặc thù địa phương. 

 Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

"TP.HCM có thể ưu tiên phát triển các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là một ưu tiên, bởi vì TP.HCM là địa phương có nhiều khu công nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Khi TP.HCM áp dụng khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong khu công nghiệp sẽ tạo thuận lợi để doanh nghiệp tận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Khu công nghiệp sinh thái là hình mẫu tốt mà TP.HCM có thể phát huy lợi thế của mình", Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất. 

Các diễn giả chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế

Nhiều mô hình hay, các chính sách áp dụng hiệu quả tại các nước đã được chuyên gia về phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, chuyên gia từ Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế đã được chia sẻ với TP.HCM. Trong đó, nhiều hiến kế tháo gỡ vào chính những vướng mắc lớn là: Chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, nguồn lực tài chính.

"Tại Singapore, một trong các chính sách điển hình trong thúc đẩy công trình xanh, đó là việc họ đặt ra chính sách điều chỉnh hệ số sử dụng đất. Theo hệ thống đánh giá công trình xanh BCA Green Mark GFA khuyến khích đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh trong phát triển các tòa nhà đạt được xếp hạng Green Mark cấp cao hơn. Việt Nam, trong đó có TP.HCM có thể cân nhắc. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cần có hành động thúc đẩy và hỗ trợ các tổ chức chứng nhận công trình xanh cũng là một trong những động lực cho doanh nghiệp FDI. Hay việc khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường. Vai trò của Chính phủ trong việc thiết lập tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng tối thiểu cho các tài sản thuộc khối Chính phủ cũng rất cần thiết để các doanh nghiệp chấp hành và tuân theo", ông Ling Foong - Phó Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc kiêm Giám đốc phát triển bền vững, Frasers Property Vietnam chia sẻ.

Ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Roland Berger Việt Nam đề xuất: "Cái đầu tiên mà TP.HCM có thể làm là có những quỹ riêng của Thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi phần lớn doanh nghiệp tại TP.HCM là doanh nghiệp nhỏ và vừa có lợi nhuận rất thấp, cạnh tranh cao. Quỹ hỗ trợ này có thể xây dựng từ 2 nguồn: Công - tư hoặc các định chế tài chính thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có được những dự án để có thể làm việc với các định chế tài chính đó".

Cũng theo các chuyên gia, TP.HCM cần tận dụng lợi thế từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, nếu nghiên cứu kỹ và khai thác tốt các điều khoản thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, TP.HCM sẽ có nguồn lực quốc tế về tài chính xanh, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn một cách tốt nhất.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: