(HTV) - Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của đất nước, hàng loạt trường đại học dự kiến mở mới ngành hoặc chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn.
Các sinh viên học ngành đào tạo Vi mạch, Công nghệ Bán dẫn
Mùa tuyển sinh 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức triển khai đào tạo ngành vi mạch bán dẫn ở 3 trường đại học gồm: Khoa học tự nhiên, Bách khoa, Công nghệ thông tin. Là một trong 3 trường thành viên được giao nhiệm vụ, thời gian qua, trường đại học Khoa học Tự nhiên đã xây dựng đề án đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại và đồng bộ, phục vụ cho việc đào tạo và tuyển sinh hai ngành mới là thiết kế vi mạch và khoa học công nghệ bán dẫn với chỉ tiêu 50 sinh viên mỗi ngành.
Tại trường đại học Công nghiệp TP.HCM, những học phần liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn đã được đưa vào chương trình đào tạo từ lâu. Năm nay, nhà trường tiếp tục đầu tư các phòng thí nghiệm, nền tảng phần mềm để chuẩn bị cho việc tuyển sinh và bắt đầu đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch.
Nhiều trường đại học chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình đào tạo trong ngành vi mạch, công nghệ Bán dẫn
Trên thực tế, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bán dẫn đã và đang được đào tạo tại nhiều trường và làm nền tảng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, việc chính thức đào tạo 2 ngành mới này sẽ đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các trường đại học trong thời gian tới.
Các trường gặp khó khăn khi ngành đào tạo Vi mạch, Công nghệ Bán dẫn tuyển dụng sinh viên nhiều hơn
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu - Trưởng Phòng Thí nghiệm Quang - Quang tử, Khoa Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: ''Nguyên lý, cơ chế về mặt lý thuyết và quy mô phòng thí nghiệm ở dạng các nhóm nghiên cứu thì chúng tôi đã có từ lâu, chứ không phải đến bây giờ mới phát triển về nó. Tuy nhiên, để phát triển thành một ngành đào tạo mang tính chất quy mô với số lượng sinh viên nhiều hơn thì chúng ta sẽ có khó khăn. Ví dụ như chúng ta phải có phòng thí nghiệm hiện đại hơn, những phòng thí nghiệm rộng lớn hơn để sinh viên có cơ hội thực tập''.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu - Trưởng Phòng Thí nghiệm Quang - Quang Tử, Khoa Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM trả lời phỏng vấn
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu - Trưởng Phòng Thí nghiệm Quang - Quang Tử, Khoa Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ thêm việc có nhiều trường cùng đào tạo hai ngành mới này liệu có tạo ra sự dư thừa nguồn nhân lực trong tương lai. ''Sự phát triển của ngành này không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới thì rất cần thiết và mình nghĩ nó sẽ không bao giờ thừa. Tuy nhiên, nó sẽ thừa nếu như chất lượng đầu ra, đào tạo của mình không đạt về mặt chiều sâu. Ví dụ các em giỏi mà trong nước không tìm được việc thì các em có thể sang các nước phát triển về công nghiệp bán dẫn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ việc đào tạo về công nghiệp bán dẫn rất cần thiết mang tính chất bài bản. Để được như vậy thì cần phải có sự đầu tư đầy đủ từ các cấp để ngành này phát triển. Bởi vì công nghiệp bán dẫn là ngành tiêu tốn rất nhiều cơ sở vật chất và kinh phí để hỗ trợ đào tạo, đặc biệt là liên quan đến phòng thí nghiệm'' - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu nói.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9