(HTV) - Nhằm xoá nhoà khoảng cách thời đại, nhóm sinh viên Trường Đại học FPT dùng công nghệ thắp lửa cho 40 bản nhạc cồng chiêng cổ, biến di sản UNESCO thành bản giao hưởng số đầy máu trẻ và tình yêu dân tộc.
Trong làn sóng mạnh mẽ của những hoạt động và dự án lấy cảm hứng từ văn hoá, nhóm sinh viên ngành Công nghệ Truyền thông tại Trường Đại học FPT TP.HCM đã lựa chọn thực hiện đồ án tốt nghiệp với chủ đề về Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và tận dụng những phát triển của công nghệ và truyền thông để lan tỏa dự án đến cộng đồng.

Nhóm sinh viên Trường Đại học FPT hồi sinh 40 bản nhạc cồng chiêng cổ
Sinh ra từ vùng đất đại ngàn tây nguyên, Nhật Hằng - Trưởng nhóm Dự án đã nung nấu ý tưởng thực hiện đồ án với chất liệu văn hoá ở chính nơi mình lớn lên. Được sự ủng hộ và đồng lòng từ các thành viên còn lại trong nhóm, dự án truyền thông, sáng tạo nghệ thuật và ứng dụng công nghệ số “Toạ Độ Cồng Chiêng” đã ra đời với cách thể hiện hoàn toàn mới.
“Khi vừa bắt đầu dự án, nhóm đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm, khảo sát cũng như nghiên cứu vì việc trở về các bản làng không hề dễ dàng, chưa kể cồng chiêng được xem là một vật rất thiêng liêng của cộng đồng dân tộc thiểu số,. Hành trình bắt đầu khi nhóm có cơ hội gặp gỡ các nghệ nhân trong lĩnh vực, đặc biệt là Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người đã có hơn 20 năm nghiên cứu về cồng chiêng), được sự hỗ trợ và chỉ dẫn nhiệt tình từ bác, dự án cũng dần tìm ra những hướng đi độc đáo” - Nhật Hằng chia sẻ
Hiện tại, nhóm đã thành công số hoá 40 bản tấu cồng chiêng cổ đến từ 9 dân tộc thiểu số từ năm 2004 - 2011 và thành công phát hành lên nền tảng số của dự án. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã phục dựng 10 mô hình 3D cồng chiêng được lấy cảm hứng từ 5 bộ cồng chiêng cổ hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và qua các nguồn báo chí, tư liệu để mọi người có thể hình dung và trải nghiệm ở bất kì nơi đâu.
.webp)
Nhóm đã thành công số hoá 40 bản tấu cồng chiêng cổ đến từ 9 dân tộc thiểu số từ năm 2004 - 2011 và thành công phát hành lên nền tảng số của dự án
Tận dụng những điểm đặc biệt của âm thanh cồng chiêng, cùng xu hướng âm nhạc hiện đại, nhóm đã ấp ủ ý tưởng kết hợp hai chất liệu này cùng nhau và hiện thực hoá tại một sự kiện âm nhạc mang tên Gong Night được tổ chức tại Công viên sáng tạo (TP. Thủ Đức, TP. HCM). Với những cảm hứng văn hoá Tây Nguyên từ sử thi đến đương đại, nhóm đã mang “hơi thở của núi rừng” cùng âm hưởng cồng chiêng hoà cùng xu hướng thời đại và lan toả theo cách mới mẻ thông qua các bản phối EDM vô cùng ấn tượng, sôi nổi và hiện đại.

Dự án của nhóm cũng đã tiếp cận được rất đông các bạn trẻ tại 2 sự kiện lớn là “Cung đàn đất nước”- chuỗi sự kiện triển lãm nhạc cụ dân tộc hàng năm của Trường Đại học FPT và “FPTU Experience Day”- chào đón 4.500 học sinh đến từ các Trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến Đại học FPT trải nghiệm thực tế môi trường học tập. Đây là những sự kiện lớn, là cơ hội để nhóm có thể giới thiệu rộng rãi dự án đến với mọi người. Trong tương lai, nhóm hy vọng sẽ có thể mang Không gian văn hóa cồng chiêng đến với bạn bè khắp các quốc gia thông qua một lễ hội cồng chiêng quốc tế

Tại sự kiện, nhiều khách quốc tế trong nước đẫ đến và thưởng thức những màn trình diễn
Những nỗ lực của các bạn trẻ đã phần nào đóng góp vào hành trình bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc thông qua những ứng dụng công nghệ hiện đại và nghệ thuật sáng tạo, góp phần làm vững mạnh những giá trị vững bền của văn hoá Việt Nam và tiếp tục lan tỏa văn hoá dân tộc trên bản đồ di sản thế giới.
Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9