Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, làm rung chuyển lầu Năm góc, được ghi vào sử sách như một chiến công chói lọi, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Ảnh tư liệu)
Nhân dịp Tết Mậu Tuất – tròn 50 năm, hãng phim TFS sẽ giới thiệu những bộ phim tài liệu về cuộc chiến có một không hai trong lịch sử dân tộc và những nhân vật huyền thoại, là những mảnh ghép làm nên thành công của cuộc chiến.
Tâm - Cá lẹp
Thông qua nữ giao liên “Tâm cá lẹp” (nữ giao liên 23 tuổi, gầy nhom, chiến đấu nhanh nhẹn, dũng cảm nên đồng đội trìu mến gọi cô bằng biệt danh “Tâm cá lẹp”), bộ phim ghi lại một phần hoạt động của một bộ phận đơn vị, các chiến sĩ thuộc
phân khu 2, một trong các mũi tấn công của Khu Sài Gòn Gia Định vào Mậu Thân, năm 1968. “Tâm cá lẹp” đã ba lần dẫn cánh quân chủ lực của Khu Sài Gòn - Gia Định tấn công vào nội đô trong cuộc “Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968”.
Trong một lần đụng độ với một tên biệt động quân đang ngồi trong góc nhà, trên tay đang cầm hai quả lựu đạn, "Tâm cá lẹp” ra lệnh cho hắn giơ tay lên hàng, hắn ngoan cố ném lựu đạn về phía cô. Tâm tránh được, thoát chết và đuổi theo, không dùng súng để bắn mà sáp lá cà cùng hắn vật lộn chờ đồng đội tiếp viện. Được đồng đội ứng cứu, tên giặc sợ quá dùng hết sức hất mạnh cô vào tường rồi vùng chạy ra đường Phú Thọ. “Tâm cá lẹp” nhanh chóng hạ ngay tên biệt động quân. Cô trinh sát tiếp tục trèo lên lầu 2 của một căn nhà vắng chủ thì phát hiện 10 tên biệt động quân đang rình rập. Tâm leo xuống điều một khẩu B40 bắn liền ba quả tiêu diệt ổ đề kháng.
Cuộc chiến 20 ngày đêm của đợt 3 diễn ra từ 26/5 đến 17/6/1968 vô cùng ác liệt. 8 giờ 30 ngày 10/6/1968 “Tâm cá lẹp” bị thương, bất tỉnh bị lòi cả mắt trái ra ngoài rồi tự chữa, ấn con mắt bị thương về vị trí cũ rồi tiếp tục chiến đấu. Câu chuyện hoạt động cách mạng, những cuộc chạm trán nảy lửa với kẻ thù, những giây phút vào sinh ra tử được tái hiện sinh động trong bộ phim tài liệu về cô trinh sát – nữ giao liên “Tâm cá lẹp”.
Thể loại: Phim Tài liệu
Thời lượng: 20 phút
Biên kịch & Đạo diễn: Lư Trọng Tín
Đi tìm anh giải phóng quân
Trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam, tác giả đã khắc họa được hình ảnh thật tuyệt vời của người chiến sĩ giải phóng quân: Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng/Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng/Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn.
Nhà thơ Lê Anh Xuân và bài thơ bất hủ "Dáng đứng Việt Nam"
Nhà báo Đinh Phong trong một bài viết có đoạn: “Sau này có nhiều người nhận rằng bài thơ Dáng đứng Việt Nam là viết về đơn vị mình. Sự thật thì, bài thơ này Lê Anh Xuân viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Mao - Trung đội phó thuộc Tiểu đoàn 6 Bình Tân, hy sinh trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1966”. Bài Dáng đứng Việt Nam có tên ban đầu là Anh giải phóng quân, khi đưa in báo được nhà văn Anh Đức sửa lại thành tên gọi như bây giờ. Liệt sĩ Nguyễn Văn Mao quê ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Bài viết Đi tìm nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam, tác giả Đặng Thọ Truật cho rằng hình tượng trong bài thơ là ông Nguyễn Văn Sáu: “Lúc ấy, tiểu đoàn 16 bị cắt làm đôi, một nửa còn ở ngoài sân bay do tiểu đoàn trưởng Nam Sơn chỉ huy, nửa dẫn đầu đã vào sân bay do chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Sáu chỉ huy... Chú ấy là một cán bộ xông xáo, nhiệt tình, trách nhiệm và rất gan dạ. Trong đêm chiến đấu ấy, với cương vị chính trị viên tiểu đoàn, lẽ ra chú ấy có thể ở phía sau để chỉ huy nhưng chú ấy đã dẫn đầu đơn vị thọc sâu, đánh hiểm vào sân bay Tân Sơn Nhất”.
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành - nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên - Tiểu đoàn 16, tiết lộ: “Nguyên mẫu của người chiến sĩ trong bài thơ này là anh Nguyễn Công Mẹo, Chính trị viên phó Đại đội 1, nguyên quán ở thôn Đồng Vinh 1, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa”.
Và đâu là nguyên mẫu thật?
Bộ phim sẽ là hành trình đi tìm con người thật - hình tượng Anh giải phóng quân trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Cựu chiến binh Vũ Chí Thành. Những chứng cứ lịch sử mà CCB Vũ Chí Thành đã thu thập được:
Một là: Bài ký “Thư Tân Sơn Nhứt” của nhà báo - nhà thơ Hoài Vũ. Bài ký này có đoạn miêu tả về 2 người chiến sĩ kiên cường, đã chết nhưng vẫn tì thân trên xác xe thiết giáp M41 đã bị bắn cháy. Hai anh đã chết nhưng tay vẫn ôm chặt súng, thân tì trên xác xe nên không ngã xuống. Từ cảm hứng này, nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết thành bài thơ về 2 người chiến sĩ trên vào tháng 3/1968.
Hai là: Bức ảnh chụp những chiến sĩ Tiểu đoàn 16 trước giờ ra trận với trang phục chỉnh tề, chân mang dép cao su. Ông khẳng định trong các lực lượng đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết Mậu Thân 1968 chỉ có duy nhất tiểu đoàn 16 là có mang dép cao su.
Ba là: Ông Vũ Chí Thành đã tìm gặp được 3 nhân chứng sống của sự kiện lịch sử ấy. Từ lời kể của những nhân chứng, ông Vũ Chí Thành đã tìm về quê quán của Anh giải phóng quân - Liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo (thôn Đồng Vinh 1, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) xác minh để làm hồ sơ xin truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Nguyễn Công Mẹo.
Trải qua 50 năm sự kiện Tết Mậu thân, với nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam thì Anh giải phóng quân trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam là hình tượng chung nhất của người chiến sĩ, hình tượng của trí tuệ và sức mạnh Việt Nam và đã trở thành tượng đài bất tử.
Thể loại: Tài liệu sự kiện lịch sử
Thời lượng: 20 phút
Kịch bản & Đạo diễn: Huỳnh Ngọc Thảo
Nữ biệt động
Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, TP.HCM. Cha mất khi bà mới 2 tuổi, một mình mẹ bà tần tảo nuôi 8 người con với cuộc sống đầy khó khăn. 12 tuổi cô bé Chín Nghĩa làm giao liên cho tổ chức hoạt động bí mật tại xã. Ngày 15/4/1965, Nghĩa chính thức trở thành Nữ biệt động dưới sự chỉ huy của độitr ưởng Nguyễn Thanh Xuân, bí danh Bảy Bê. Rạng sáng 12 Tết Mậu Thân năm 1968, đội biệt động thành gồm 15 người đã tiến đánh vào Dinh độc lập. Trong số 15 người chiến sĩ đó chỉ duy nhất có một cô gái vừa tròn 19 tuổi đó là Vũ Minh Nghĩa – bí danh Chín Nghĩa.
Bà Chín Nghĩa, nữ biệt động Sài Gòn tham gia trận đánh lịch sử vào dinh Độc Lập
Nhắc đến ngày Biệt động Sài Gòn bà Nghĩa nhớ nhất là ngày được cầm súng đánh vào Dinh Độc lập, đó là ngày hạnh phúc nhất và cũng là ngày đau thương nhất của người phụ nữ gần 70 tuổi này. Trong trận đánh ấy, đồng đội của bà đã hy sinh một nữa, số còn lại cũng bị thương, vũ khí còn rất ít nhưng vẫn quyết chiến đến viên đạn cuối cùng khiến kẻ thù khiếp sợ. Cuộc đời bà trải qua sự tra trấn của kẻ thù qua các đồn bót, tuổi xuân chôn vùi nơi nhà tù Côn Đảo.
Thể loại: Tài liệu chân dung
Thời lượng: 20 phút
Kịch bản & Đạo diễn: Đoàn Minh Quý
Bản giao hưởng Mậu Thân 1968
Là hoạ sĩ chiến trường, hoạ sĩ - Đại tá Phan Oánh có nhiều tác phẩm ký hoạ được xem là những trang sử quý giá về cuộc chiến khốc liệt, gian khổ nhưng đầy oai hùng của dân tộc. Phim tài liệu Họa sĩ Phan Oánh & bản giao hưởng Mậu Thân 1968 đặc biệt đi sâu tìm hiểu về sự kiện lịch sử Mậu Thân 1968 được kể trong 3 tác phẩm: Bản sonate 1,2,3. Cả 3 tác phẩm là 3 câu chuyện kể đầy chất bi hùng.
Họa sĩ Phan Oánh và những tác phẩm khắc khoải về chiến tranh
Bản sonate 1 Mậu Thân 1968 được cảm tác từ câu chuyện có thật của một người bạn. Khoảng cuối 1970, hoạ sĩ Phan Oánh tham gia tập huấn họa sĩ chiến trường, ông được ở chung phòng với họa sĩ Đỗ Xuyền thuộc đơn vị sư đoàn 9, từng tham gia trận đánh ở Cầu chữ Y vào mùa xuân 1968. Anh kể cho hoạ sĩ Phan Oánh nghe câu chuyện: giữa tiếng bom đạn, anh nghe văng vẳng tiếng đàn piano từ đâu đó vang lên. Men theo bờ tường đổ nát, anh nhìn thấy một người đàn ông chơi đàn piano trong căn phòng có nhiều chiến sĩ đã hy sinh, nhiều thương binh đang được nữ chiến sĩ biệt động đang băng bó vết thương… Giữa khốc liệt của cuộc chiến, tiếng nhạc vang lên như phả hơi thở, ước vọng thanh bình, yên ả cho quê hương đất nước. Cảm xúc của câu chuyện ấy theo hoạ sĩ Phan Oánh, mãi đến gần 40 năm sau ông mới hoàn thành và ra mắt công chúng Bản sonate 1 Mậu Thân 1968.
Kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử này (1968 - 2018), ông tiếp tục vẽ ký ức của mình với tác phẩm: Bản sonate 2, Mậu thân 1968 với tên gọi Địa đạo trong lòng dân, phác hoạ về sự che chở bộ đội của nhân dân Sài Gòn trong đợt 2 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968.
Bản sonate 3, Mậu Thân 1968 với tên gọi Lục bình đỏ. Tác phẩm nhằm ca ngợi lực lượng dân công hỏa tuyến, tải thương tải đạn trong đợt 3 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
Những tổn thất, những đau đớn, mất mát và giá trị lịch sử của Mậu thân 1968 sẽ là tiền đề góp phần đi đến thắng lợi Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vì thế, Bản sonate 1,2,3 họa sĩ Phan Oánh sẽ cùng hòa điệu tạo thành bản giao hưởng về sự kiện lịch sử Mậu thân 1968 thật ấn tượng, đậm chất bi hùng và mang đậm dấu ấn của hoạ sĩ - Đại tá Phan Oánh.
Thể loại: Tài liệu chân dung
Thời lượng: 20 phút
Kịch bản & Đạo diễn: Huỳnh Ngọc Thảo
Hồ Duyên