Những cung đường ven biển

Với hơn 3.200 km bờ biển trải dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam thực sự trở thành quốc gia biển. Biển Việt Nam đã trở thành cửa ngõ để chúng ta tiến ra với thế giới và bạn bè thế giới đến với chúng ta trong hội nhập giao thương.

Biển Đông – mặt tiền của dải đất chữ S

Việt Nam là một quốc gia ven biển nằm trong khu vực trung tâm của Đông Nam Á. Đất nước chúng ta cũng có vùng biển nối liền tuyến giao thông vận tải đường biển quan trọng giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Đặc biệt, biển Việt Nam là tuyến vận tải nối các nước khác đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Với chiều dài 3.260km kéo dài từ Quảng Ninh ở phía Đông Bắc đến tận Mũi Cà Mau, biển Đông từ xưa được xem là mặt tiền – cửa ngõ nối Việt Nam với quốc tế. Tính trung bình tỉ lệ diện tích theo số km bờ biển ở Việt Nam thì cứ 100km²  có 1km bờ biển (so với trung bình thế giới là 600km² có 1km bờ biển). Vùng biển nước ta còn có trên 4.000 hòn dảo lớn nhỏ, trong đó vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo, Bắc Trung bộ trên 40 đảo, còn lại nằm ở vùng biển Nam Trung bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trên bờ biển nước ta lại có nhiều mũi đá nhô sát biển tạo nên các hoành sơn thiên nhiên tráng lệ, non nước hữu tình.

Trường Sa hôm nay

Chúng tôi là những người may mắn khi được giao nhiệm vụ loạt ký sự Biển đảo quê hương được triển khai từ năm 2014. Những ngày đi dọc theo 28 tỉnh thành có biển, chúng tôi cảm nhận một điều: Sông – biển – người ở dải đất hình chữ S này như hòa quyện nhau, là một - tự ngàn đời nay. Cuộc sống thanh bình, những phút giây thư giãn tìm về thiên nhiên, lắng nghe tiếng sóng vỗ, biển xanh vô tận như kể cho chúng tôi câu chuyện khởi thủy lập nghiệp của tổ tiên, câu chuyện hơn 4.000 năm dựng và giữ nước, câu chuyện nào cũng thấm nồng hương vị biển. Những giây phút ngồi lặng im trước biển xanh hay những ngày lênh đênh ngắm đại dương bao la, xanh thẫm để đến với Trường Sa, những ngày lên non, đến miền biên viễn xa xôi hẻo lánh, hay xuôi đoạn cuối dòng Mê Kông đến cuối dải đất chữ S, chạm tay vào Mũi Cà Mau, thật khó để diễn tả cảm xúc vì những hy sinh máu xương của các tiền nhân bao thế hệ đã để lại cho con cháu hình hài một đất nước xinh đẹp như hôm nay. Những thương cảng sầm uất, những công trình đang vươn ra biển, những ngư trường đầy ắp cá tôm, những bãi biển thanh bình, thơ mộng, tất cả tô thêm vẻ đẹp, làm sáng thêm hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, để con cháu sánh vai cùng các cường quốc năm Châu như mong mỏi của Bác Hồ.

Cảnh sát biển Việt Nam

Biển quê hương mỗi nơi mang một nét đẹp riêng nhưng đều chung một màu xanh bao la, bất tận, chung một vị mặn mòi, khi ồn ào mạnh mẽ, lúc dịu dàng yêu thương, lúc đằm thắm bao dung nhưng có khi cũng ầm ầm nổi cơn thịnh nộ đem đến bao đau thương, tang tóc. Với ngư dân Việt, biển là nhà, mái nhà chung để sinh tồn. Với lợi thế biển, Việt Nam phải mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, và thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, phát triển xã hội là chính sách rất đúng đối với một nước nghèo. Nhưng nó chỉ đúng một khi cái nó thúc đẩy, tức là sự phát triển kinh tế và xã hội, mang tính bền vững. Sự bền vững không thể chỉ đơn giản được biểu đạt trong những con số phản ánh tỉ lệ tăng trưởng, tỉ lệ tăng thu ngân sách, tỉ lệ lao động có việc làm, tăng thu nhập... Nó phải được thể hiện, trước hết và trên hết, thành những giá trị vật chất, tinh thần mà xã hội có thể sở hữu dài lâu, nghĩa là khai thác để phục vụ cuộc sống hiện tại và tái tạo được để dành lại cho cuộc sống tương lai. Hiểm họa môi trường biển tháng 4/2016 tại Vũng Áng sẽ mãi là bài học cảnh báo chúng ta về phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế bền vững chỉ có được khi không đánh đổi bằng môi trường, vì nếu ngược lại, cái giá phải trả luôn luôn là quá đắt và không thể cân đo đong đếm so với lợi nhuận thu được. Vì lẽ đó mà ngư dân Việt không chấp nhận bất kỳ sự xâm hại, hủy diệt môi trường biển. Formosa tàn phá môi trường biển sẽ phải bị trừng trị. Nhưng biển đã mang một nỗi đau, nỗi buồn ngàn năm.

Văn hóa dân gian biển – pháp lý chủ quyền

Những ngày lên rừng, xuống biển, qua nhiều vùng đất đã cho chúng tôi đầy ắp cảm xúc và ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí, những bậc tiền nhân công dày đức trọng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, bao thế hệ tiền nhân đã để lại cho hậu thế những kho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khổng lồ, đầy thách thức.

Trẻ em Trường Sa

Thật thú vị khi cảm nhận rất rõ nhiều vùng đất chúng tôi đang đi, những cánh đồng lúa xanh mởn xưa kia là biển, là những cảng biển sầm uất, tấp nập của thời Đại Việt, như vùng đất Việt Thường cổ nay là Hà Tĩnh - dải đất nhỏ hẹp của miền Trung. Hay khi đặt chân lên đến ranh giới của cửa biển Thần Phù (Nga Sơn – Thanh Hóa), nơi có nhiều truyền thuyết nổi tiếng như: Sơn Tinh qua cửa biển, Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang, hay truyền thuyết vó ngựa quân Tây Sơn Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long, nơi nổi tiếng sóng to gió lớn đến nỗi dân gian lưu truyền câu nói: Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm... Chúng tôi đã náo nức đặt chân lên đảo Mai An Tiêm, trong kho tàng chuyện cổ đó là hòn đảo hẻo lánh, xa xôi, đầy bí ẩn, nơi Mai An Tiêm bị vua cha lưu đày thì nay quá trình biển tiến – biển lùi, hòn đảo đã trôi vào đất liền, nằm trên địa bàn huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.


Làng chài Nghi Sơn, Thanh Hóa

Theo các nhà địa chất, sau 4 nghìn năm châu thổ sông Hồng, thời kỳ biển tiến – biển thoái và cả những đợt biển lấn trở lại với quy mô nhỏ ở nhiều vùng đất tại Ninh Bình được minh chứng bằng những trầm tích: núi xa dần, sông ngòi, đồng bằng lấn ra biển như vùng đất Kim Sơn. Trải qua những “cuộc bể dâu” của các đợt vận động tạo sơn và quá trình biển tiến – biển lùi, phù sa lắng đọng, sông bể hàng ngàn năm cần cù bồi đắp cùng với tác động của con người đã tạo nên diện mạo, địa hình, để lại cho nhân loại thắng cảnh Tràng An – di sản văn hóa và thiên nhiên, niềm kiêu hãnh của thế giới tại Ninh Bình – Việt Nam. Cũng nằm trên địa bàn của vùng đất xa xưa là biển cả mênh mông sóng vỗ, lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, thơ mộng và huyền bí là Vườn quốc gia Cúc Phương. Chúng tôi đi bộ trên cây cầu dài hơn 100m, đến chân núi đá vôi, leo lên độ cao 45 m, vượt qua hơn 200 bậc thang đá và sắt để đến Động Người Xưa. Ngay tại cửa động, dấu vết của một vùng biển vẫn còn in đậm, chen lẫn trong vách hang, trên vách núi cheo leo với những vỏ sò dày đặc, đã hoá thạch. Quả thật khó kể hết những câu chuyện mang dấu ấn của biển ở dải đất này.

Vịnh Lan Hạ, Hải Phòng

Việt Nam sở hữu bờ biển dài nên nơi đâu cũng nghe tiếng sóng vỗ, nơi đâu cũng gắn liền với tâm linh của người dân đi biển. Những lễ hội Nghinh Ông, cầu ngư, đua thuyền, không chỉ là tâm linh, tín ngưỡng mà trở thành nét đẹp văn hóa, thành di sản phi vật thể  - một tài sản vô giá của bà con vùng biển. Bất kỳ ngư dân làng chài nào cũng kính trọng và coi cá Ông như một vị ân nhân, cứu tinh giữa biển khơi và không bao giờ đánh bắt loài cá này. Và cũng từ đó, mỗi khi gặp cá Ông lụy vào gần bờ, họ vớt lên làm lễ chôn cất rất tử tế, lập bia thờ, để tang như cha mẹ mình và khói hương chu đáo. Tục thờ cá Ông trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam, thể hiện đạo lý tốt đẹp luôn tồn tại trong tâm thức và trở thành “di sản văn hóa biển” của dân vạn chài nói riêng và người Việt nói chung.

Làng chài bình yên

Trải qua hàng trăm năm, những lễ hội này ngày càng chắt lọc, được tích tụ, bồi đắp thêm nhiều tinh hoa tốt đẹp, thể hiện ước vọng của ngư dân về một mùa đánh bắt thuận buồm xuôi gió và khẳng định tính cộng đồng, gắn kết bền chặt trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Lễ hội cầu ngư có một sức sống mãnh liệt tồn tại trong suốt tiến trình lịch sử, cùng với lễ hội Nghinh Ông, múa bông, hò khoan, chèo cạn là loại hình di sản văn hóa phi vật thể thuộc lễ hội dân gian truyền thống gắn liền với cộng đồng dân cư vùng biển. Pháp lý chủ quyền biển Đông của dân tộc Việt chính là đời sống tâm linh thấm đẫm hương vị của biển cả.


Đoàn phim TFS tác nghiệp tại Vịnh Hạ Long

Trong tiến trình phát triển của đất nước, có ánh sáng lấp lánh từ nhiều miền quê bên đầu ngọn sóng, có chiều sâu của các lễ hội văn hóa, tâm linh, có nỗ lực vượt khó, có những nỗi buồn đau, bi hùng của công cuộc chống ngoại xâm thường xâm nhập từ đường biển. Sự đói nghèo, heo hút đã chìm vào dĩ vãng, vượt khó, can trường, đó là tính cách mạnh mẽ để người con nước Việt vươn ra biển lớn, hội nhập và phát triển. Vươn ra biển, làm chủ biển như một sự hiển nhiên ngàn đời của dân tộc Việt. 
Minh Diệu