Những ý tưởng xanh

Kim Quyên 29/8/2022, 08:00

Sản xuất giày và khẩu trang từ bã cà phê và vật liệu tái chế, Lê Thanh không chỉ tạo ra những mẫu giày vừa lịch thiệp, vừa năng động, tiện dụng, mà còn mong muốn góp phần bảo vệ môi trường.

Ngày nay, những sản phẩm được sản xuất theo dây truyền công nghệ đã quá phổ biến. Khi mức sống và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, họ thích tìm mua những sản phẩm đặc biệt hơn, những sản phẩm chỉ dành cho riêng mình. Chính những điều đó đã thôi thúc Lê Thanh tìm một chất liệu mới cho những sản phẩm của mình.


Nhận thấy những đôi giày lười vừa lịch thiệp, vừa năng động, đáp ứng sự tiện dụng, có thể sử dụng khi đi làm, đi chơi suốt nhiều giờ mà không bị đau chân hay ám mùi, Thanh tiếp tục nghiên cứu sản phẩm kết hợp giữa giày tây và sneaker nhưng sử dụng vật liệu tái chế để làm nguyên liệu sản xuất giày, góp phần bảo vệ môi trường.


Lê Thanh chia sẻ: "Lúc đầu, tôi thử nghiệm với gạo, bã mía, ngô, tre… nhưng sau đó quyết định chọn bã cà phê. Sở dĩ tôi chọn bã cà phê bởi Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải này lớn nhất nhì thế giới. Trong rất nhiều năm, chúng ta đang là quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều thứ hai thế giới, lượng bã cà phê thải ra môi trường rất lớn. Nếu không qua xử lý, bã cà phê phân hủy sẽ thải ra metan, loại khí thải làm trái đất nóng lên. Hơn nữa, tính chất khử mùi của bã cà phê sẽ giúp ích rất nhiều cho người dùng ở nước nhiệt đới như Việt Nam khi mang giày thể thao trong nhiều giờ liền".


Thanh cho biết trên thế giới đã có doanh nghiệp sử dụng sợi cà phê dệt thành lớp bề mặt lưới của đôi giày, nhưng công ty của anh ứng dụng "triệt để" hơn, nghĩa là cả đế và thân giày đều được sản xuất từ bã cà phê, hạt nhựa tái chế. Đến tháng 9/2019, những đôi giày đầu tiên đã được anh bán ra thị trường.

Không dừng lại ở đó, từ công thức làm giày cà phê ShoeXcoffee, anh tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời khẩu trang cà phê AirX và chỉ sau 4 tháng nghiên cứu, sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng. Nói về sản phẩm này, anh cho biết: "Từ dịch bệnh COVID-19, mọi người có ý thức hơn về việc giữ gìn sức khỏe, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, theo rất nhiều nhà nghiên cứu thời trang trên thế giới, khẩu trang sẽ là mặt hàng tiềm năng trong tương lai. Chiến lược của tôi là muốn đem khẩu trang cà phê Việt ra toàn thế giới".


Theo Lê Thanh, việc tạo ra sản phẩm từ vật liệu tái chế đa phần khó khăn, vì thường chi phí sản xuất cao hơn khiến giá bán cao hơn, nhưng thuận lợi là ý thức xã hội ngày càng tăng của các bạn trẻ khiến sản phẩm thân thiện môi trường dần có chỗ đứng. "Hiện Việt Nam chưa sản xuất được vải sợi từ cà phê nên phải nhập khẩu. Sau khi tìm được nhà cung cấp bã cà phê là một doanh nghiệp đầu tàu trong ngành, tôi đang lên kế hoạch nghiên cứu để tự sản xuất nốt vải sợi cà phê" - Lê Thanh đúc kết.

Đón xem Tạp chí Văn nghệ lúc 8g30 sáng Chủ Nhật hàng tuần trên HTV7.

Ý kiến của bạn: