NSND Đào Bá Sơn: Nghệ thuật phải chạm đến trái tim khán giả

Khi nói về đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn, người trong nghề dành cho ông sự nể trọng, giới báo chí viết về ông bằng sự trân trọng, sinh viên dành cho thầy mình sự kính trọng và khán giả thì ngưỡng mộ ông.

Câu chuyện ông kể trong tác phẩm của mình không chỉ chạm đến chiều sâu cảm xúc khán giả mà luôn để lại những giá trị khiến người xem đau đáu suy nghĩ, trăn trở. NSND Đào Bá Sơn vừa nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật trong năm 2017, ông đã dành cho Tạp chí HTV cuộc trò chuyện thú vị.

Nghề nghiệp thường gắn với cuộc đời mỗi người bởi chữ DUYÊN? Nghệ thuật có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời ông? 

Vâng! Cái duyên gắn bó với cuộc đời một con người nhiều khi như là một định mệnh, đôi khi ngoài sự hiểu biết và kiểm soát của ta. Đó chính là việc thành vợ, thành chồng, thành nghề, thành nghiệp. Trong Phật pháp thì “Có nợ mới có duyên, có duyên rồi ắt có nợ”. Nó chính là nhân quả, là cái nghiệp của ta. Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương có câu: “Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi”. Ai cũng biết làm nghề không chỉ là kiếm sống, là mưu sinh mà còn là con đường để khẳng định giá trị của bản thân. Có một người làm nghề chăn nuôi bò mà được phong Anh hùng lao động đến 2 lần. Thật kỳ lạ! Có một điều chắc chắn không kỳ lạ là ông ấy rất yêu nghề, yêu thương đàn bò của mình, nuôi nấng chăm sóc và phát triển chúng. Ông ấy đã biến cái công việc tưởng như bình thường kia cùng với ông đã trở thành phi thường. Đó chính là Anh hùng Hồ Giáo. Với tôi, nghề cũng chính là cái nghiệp của mình. Gần trọn đời gắn bó, sống chết với điện ảnh, cái được lớn nhất của nghề dạy lại tôi là phải biết yêu thương con người, tin vào những điều tốt đẹp của cuộc đời này. 

Cả quãng đường hoạt động nghệ thuật của mình, ông nghĩ về điều gì nhiều nhất?

Tôi nhớ lúc xin mẹ đi thi tuyển vào trường điện ảnh, mẹ tôi nói: “Mẹ cấm! Xướng ca vô loài”. Tôi nói: “Kệ con! Tại con thích”. Mẹ tôi lại bảo: “Cá không ăn muối cá ươn. Thi vào trường khác hoặc làm nghề khác đi. Làm cái nghề này khó tử tế lắm con ạ”. Tôi gân cổ cãi: “Người tử tế thì ở đâu cũng tử tế, người không tử tế thì làm gì cũng không tử tế”. Mẹ tôi thở dài, lắc đầu đầy thất vọng: “Thôi đi đi, đồ mất dạy! Sau này có khổ thì đừng há miệng mà than thở”. Từ đó về sau tôi không bao giờ dám than thở với mẹ về những khổ ải, khó khăn gian nan trên con đường mà mình đã lựa chọn. 

Tôi nhớ năm 1987, đóng vai Rist trong phim Pho tượng Lastmy. Quay từ 6 giờ sáng đến 13 giờ nghỉ ăn trưa. Nắng gay gắt, bên mình thì mũ cối, súng đạn lỉnh kỉnh, mồ hôi đầm đìa, đói và mệt. Tôi được phát một ổ bánh mỳ cứng như cục gạch. Sau lưng tôi là 30 người nước ngoài đóng quần chúng (lính Mỹ). Họ đang ăn thịt bò nướng vỉ, xúc xích, sườn nướng, khoai tây chiên một cách vui vẻ trong nhà bạt che nắng. Tôi ngồi ở ngoài nắng, cố nuốt miếng bánh mì khô cứng mà cứ nghẹn ở cổ. Bỗng thấy thương mình! Công việc quá khổ cực, vất vả, tiền bạc thì chẳng đủ để nuôi vợ con, tủi thân nước mắt ứa ra. Chợt anh Robert Hải vỗ vai đưa cho tôi ca nước vẻ đồng cảm: “Ráng ăn đi, có sức rồi quay tiếp”. Tôi nghẹn ngào: “Em không ăn được, họ phân biệt đối xử”. Anh Hải nghiêm mặt lại: “Tao nói ăn đi! Chiều nay còn mấy cảnh nổ nguy hiểm nữa đó. Phải biết chấp nhận sự bất công. Nghề nào mà chẳng vậy! Ăn đi rồi còn quay”. Đêm đó về nhà tôi quên hẳn sự kiên buổi trưa mà lòng thì vui vì cảnh quay bom đạn thành công lúc chiều. Tôi lấy cơm nguội ra ăn. Mẹ tôi hỏi: “Thế đoàn phim người ta không cho con ăn à?”. Tôi nói: “Có chứ mẹ”. Và thế là tôi say sưa miêu tả đĩa thịt bò nướng được bày ra như thế nào, đĩa xúc xích nướng màu gì, hương vị của sườn nướng và khoai tây chiên ra sao. Mẹ tôi ngạc nhiên: “Con ăn như vậy mà chưa no à?”. Tôi nói: “Con ăn thêm cơm nguội để cho mẹ vui thôi.”. Mẹ tôi cười thật tươi: “Họ đối xử với con tốt thế thì con nhớ đừng làm cái gì phụ lại tấm lòng tốt của họ”. Tôi sững người lại “Vâng ạ”. Những khổ ải trên phim trường, trong nghề, tôi nếm đủ. Nhưng khi mẹ hỏi, tôi luôn nói ngược lại. Tôi đã nói dối mẹ!

Khi xưa mẹ không thích điện ảnh nhưng đến sau này bà lại luôn yêu quý điện ảnh, cho đến trước khi mất vẫn dặn dò tôi phải tử tế với nghề, với anh chị em đồng nghiệp. Mẹ tôi coi điện ảnh như một thánh đường mà con trai bà may mắn được tá túc. Mẹ tôi không bao giờ biết rằng trong cái thánh đường ấy con trai bà và các đồng nghiệp lẫn các cộng sự hàng ngày “luyện chưởng” bằng mì gói, bánh mì và cơm hộp, bằng sự căng thẳng của công việc, trí tuệ mồ hôi và cả nước mắt! Và cũng từ đó tôi chưa bao giờ phụ lại “tấm lòng của điện ảnh” đã dành cho tôi một chỗ đứng để làm việc và để cống hiến. Ở nơi linh thiêng nào đó chắc mẹ tôi sẽ tha thứ cho tôi. 

Gần trọn cuộc đời mình sống với niềm đam mê điện ảnh, hẳn nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn với ông?

Tôi tốt nghiệp Diễn viên khóa 2 trường Điện ảnh tính đến nay cũng đã gần 45 năm. Ban đầu đi làm diễn viên, trợ lý, phó rồi lên đạo diễn, sau này có làm thêm công tác biên tập và giảng dạy cho đến nay. Suốt một đời gắn bó với nghề cũng đầy đủ vinh, nhục, sướng, khổ, bại, thành. Những năm tháng mới vào nghề, đạo diễn Hồng Sến đã dạy tôi nhiều bài học thấm thía. Có lần ông la tôi: “Mày phải biết bỏ qua cái được thông thường thì mày mới có cái được lớn lao”. Tôi như thằng khờ bỗng ngộ ra chân lý giản dị mà ông thầy dạy mình. Từ đó tôi luôn bỏ qua “cái được thông thường” để lao vào ngọn lửa điện ảnh như con thiêu thân cháy hết mình. Có lẽ đó cũng là ý nghĩa và hạnh phúc của tôi.

Ông là người có cá tính mạnh, dấu ấn của ông trong các tác phẩm cũng rất lớn. Tôi xem các tác phẩm của nhiều thế hệ học trò của ông và nhận thấy họ bị ảnh hưởng bởi phong cách của thầy mình rất nhiều. Ông nghĩ sao về điều này?

Thực lòng tôi cũng không biết họ có bị ảnh hưởng gì không. Ở mỗi phim tôi thường tìm chìa khóa để “mở” kịch bản. Tôi chỉ chắc chắn một điều rằng tôi bị ảnh hưởng bởi thầy Hồng Sến trong phim truyện và thầy Robert Kramer trong phim tài liệu. Tôi nghĩ sự ảnh hưởng trong sáng tác là rất tốt. Nó khác với bắt chước. Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Ngoài việc truyền bá kiến thức điện ảnh thì điều quan trọng của ông thầy là phải đốt lên trong người học trò ngọn lửa tình yêu với sáng tạo, với nghề và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước số phận con người và phải đi đến tận cùng vấn đề đặt ra trong bộ phim của họ.

Gần đây, ông chuyển sang làm phim tài liệu và giảng dạy bộ môn này, theo ông phim tài liệu Việt Nam ở đâu trong bản đồ khu vực?

Người ta nói rằng muốn biết giấc mơ về tình yêu, khát vọng cuộc sống và vẻ đẹp lịch sử của một dân tộc thì hãy xem phim truyện. Còn muốn biết cuộc sống thật, sự thật những vấn đề của một dân tộc, trong đó có chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử…thì phải xem phim tài liệu. Vì lẽ đơn giản trong tài liệu không có hư cấu, không có diễn xuất. Nó là điện ảnh trực tiếp, ở đó con người thật, sự việc thật, tình yêu thật. Phim tài liệu của ta hiện tại chưa được coi trọng và đánh giá đúng tầm vóc của nó. Mặt khác chúng ta có quá nhiều phim đúng, phim tốt, phim minh họa như quá ít phim tài liệu hay và khá giống nhau trong cách kể chuyện. Đây chính là trách nhiệm của nghệ sĩ sáng tác. Ở Châu Á, hàng năm có rất nhiều Liên hoan phim tài liệu và phim tài liệu luôn được quan tâm và đánh giá cao. Cách đây mấy năm, Cambodia cũng đã đoạt giải Oscar cho một phim tài liệu được tạo hình bởi các con rối nói về nạn diệt chủng Polpot. Bộ phim để lại cho người xem nhiều ấn tượng sâu sắc và xúc động. Tôi nghĩ con đường ngắn nhất để mang đến cảm xúc cho người xem đó chính là từ trái tim người nghệ sĩ sáng tác đến trái tim khán giả.


NSND Đào Bá Sơn và NSƯT Nguyễn Hoàng nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật

Tết, người ta thường nghĩ về những điều sâu thẳm, còn ông?

Tết trong tôi là hình ảnh của mẹ. Cứ sáng mồng một Tết hằng năm, mẹ lại nấu một nồi nước to với đủ các loại lá bưởi, hoa cau, hoa ngâu, hoa nhài…rồi bắt con tắm bằng lá nước thơm đó xong mới mặc quần áo mới. Hương thơm giữ lại rất lâu, nên có khi 2, 3 ngày sau thay áo vẫn còn ngửi thấy mùi thơm phảng phất, cảm giác rất tinh khiết. Với tôi khoảnh khắc giao thừa luôn là thiêng liêng. Ta cảm nhận được sự chuyển mình của trời đất sang xuân. Ta cảm nhận được sự tĩnh lặng trong tâm hồn mình. Và từ tiềm thức, hình ảnh những người thân yêu của ta cũng trở về. 49 năm tôi luôn đón giao thừa bên cạnh mẹ. Giờ mẹ không còn nữa, tôi muốn gửi những dòng này đến mẹ:

Trên đó có giao thừa không mẹ?
Nhang tàn, nến tắt
Cánh bướm chập chờn bay…

 

Minh Diệu