NSƯT Hải Phượng “kể chuyện” văn hóa qua tiếng đàn tranh

Trúc Quỳnh 3/1/2023, 08:33

Tiếng đàn tranh của NSƯT Hải Phượng cất lên tại chương trình “Người kể chuyện đời” phút chốc khiến khán giả nghẹn ngào khó tả.

Vốn xuất thân trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc dân tộc, từ nhỏ nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng đã được mẹ trực tiếp truyền dạy. Lên 7 tuổi, Hải Phượng theo học đàn tranh tại Nhạc viện TP.HCM. Bằng niềm đam mê, nghiêm túc học tập và rèn luyện, Hải Phượng đã sớm đạt được những thành tựu trong sự nghiệp. Thường xuyên tham gia lưu diễn tại khắp các châu lục, Hải phượng đã trở thành cầu nối, đưa tiếng đàn tranh dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Chị đã góp phần giữ gìn, khẳng định vị thế âm nhạc dân tộc nói chung và nhạc cụ đàn tranh nói riêng. 



NSƯT Hải Phượng thướt tha trong tà áo dài đem tiếng đàn dân tộc vươn ra thế giới

Trong tập phát sóng lần này, NSƯT Hải Phượng tự hào chia sẻ về gia đình, đặc biệt là cô con gái nhỏ đang học tại Nhạc viện TP.HCM với điểm tốt nghiệp trung cấp đạt tối đa. Mặc dù mong muốn con sẽ tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng chị vẫn tôn trọng quyết định của con và tin vào sự lựa chọn của Tổ nghề. Chị kể hai mẹ con thường xuyên tâm sự khi ở nhà, có lúc cùng tranh luận về cách xử lý bài hoặc cùng học và thử một kỹ thuật mới.

NSƯT Hải Phượng và những thành tựu đáng trân quý trong sự nghiệp


“Sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng to” là câu nói rất đúng với NSƯT Hải Phượng hiện tại. Thành công lớn nhất của chị chính là được khán giả công nhận tài năng và giới chuyên môn đánh giá cao. Hải Phượng chia sẻ, để có được thành quả như ngày hôm nay, chị đã từng “cày” miệt mài xuyên suốt 24 giờ, cật lực tôi luyện mỗi khi có thể. Đến bây giờ, dù đã đạt những thành tựu nhất định, chị vẫn không ngừng rèn luyện, sáng tạo để đem đến những tác phẩm chạm đến cảm xúc, trái tim của người nghe. 

NSƯT Hải Phượng với vai trò giảng viên đồng hành cùng thế hệ trẻ đam mê đàn tranh

NSƯT Hải Phượng vốn gắn liền với hình ảnh nền nã, thướt tha trong tà áo dài dân tộc, với những ngón tay thanh thoát trên dây đàn. Nhưng ẩn sau vẻ dịu dàng, đằm thắm ấy lại là một người phụ nữ khéo léo, tự chủ và mạnh mẽ trong cuộc sống gia đình lẫn công việc. Ngoài những chuyến lưu diễn trong và ngoài nước, chị còn là một giảng viên hết mình với công việc, lắng nghe, tôn trọng và hướng học trò phát triển hết năng lực của mình. Chị luôn tâm đắc làm sao để thế hệ mai sau có thể tiếp nối, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của đàn tranh - nhạc cụ mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. 

Ý kiến của bạn: