Bộ phim tài liệu "NSƯT Tuyết Mai – Người truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc" giới thiệu chân dung NSƯT Tuyết Mai, với hành trình góp phần khơi dậy niềm đam mê cũng như tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chân dung NSƯT Tuyết Mai
Không chỉ thế, chị còn là người đồng hành trong nhiều dự án của Thành phố Hồ Chí Minh trên hành trình nỗ lực quảng bá giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam đến với du khách quốc tế. Phim do đạo diễn Huỳnh Ngọc Thảo, quay phim Lê Ngô Chí cùng ê-kip làm phim của TFS thể hiện.
NSƯT Tuyết Mai được sinh ra trong gia đình nghệ thuật, bố mẹ chị là thành viên của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (trước đây là Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam). Niềm đam mê âm nhạc dân tộc hình thành trong lòng nghệ sĩ Tuyết Mai từ nhỏ. Lên 10 tuổi, chị đã bắt đầu đời sống sinh viên ở Nhạc viện Hà Nội, vừa học phổ thông vừa đeo đuổi chuyên ngành đàn tam thập lục. Năm 1988, kết thúc 13 năm (có hai năm vượt cấp) ở trường, chị được nhận vào công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.
Tại đây, chị kết hôn với nghệ sĩ Đinh Linh, đồng nghiệp cũng là bạn học cùng khoa ở Nhạc viện. Năm 1992, hai vợ chồng Tuyết Mai - Đinh Linh chuyển vào Nam lập nghiệp. Họ tiếp tục công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen (Thành phố Hồ Chí Minh). Cả hai cùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 2007.
NSƯT Tuyết Mai giới thiệu nhạc cụ dân tộc đến du khách nước ngoài
Theo NSƯT Tuyết Mai: “Không phải mọi người thờ ơ với âm nhạc dân tộc mà ngọn lửa này mọ người vẫn yêu nhưng chưa có người khơi dậy, giống như có một lớp lửa dưới lớp rơm thì nó vẫn luôn âm ỉ nhưng chúng ta đến cầm cái que gạch ra một tí, và chỉ cần hơi thổi nhỏ thôi là lửa bùng cháy”. Thấu hiểu điều đó nên NSƯT Tuyết Mai bắt đầu hành trình của riêng mình.
Đầu tiên, chị và gia đình gầy dựng Phòng hòa dân tộc phục vụ khách tham quan ở Dinh thống nhất vào năm 1992. Hoạt động được 12 năm, chị quyết định dời Phòng hòa nhạc về tại ngôi nhà của mình vào năm 2004.
"Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai" của NSƯT Tuyết Mai ra đời, nhắm đến đối tượng đầu tiên là khách nước ngoài, với điểm mạnh là ngôi nhà duy trì được ba thế hệ biểu diễn sáo trúc, là ban nhạc gia đình. Trong ngôi nhà ấy được biểu diễn từ trái tim đến với trái tim, với phương châm: những gì thật nhất, gần gũi nhất. Hiện tại, học viên của lớp nhạc dân tộc này hầu hết là những bạn trẻ, độ tuổi đôi mươi.
NSƯT Tuyết Mai Biểu diễn tại "Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai"
Với nghệ sĩ Tuyết Mai: "Đây là điều đáng mừng vì ngày càng nhiều bạn trẻ, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, vẫn tìm đến lớp học âm nhạc dân tộc này. Họ vẫn thích, yêu mến nhạc dân tộc lắm, chỉ là không có điều kiện mà thôi".
Chị cho biết mình mất 13 năm rèn luyện với các phím đàn dân tộc, thêm 3 năm học thạc sĩ chuyên ngành giáo dục, mới có thể biểu diễn chuyên nghiệp. Thế nên, chị không nhận những người muốn qua 8 buổi học là trở thành nghệ sĩ biểu diễn hay chơi đàn chuyên nghiệp. "Mong muốn của tôi khi theo đuổi hành trình này là xây dựng nên thế hệ khán giả nghe nhạc dân tộc bằng cảm xúc và sự hiểu biết nền tảng về nhạc dân tộc, giúp họ có thể thưởng thức một cách trọn vẹn nhạc dân tộc đầy mê hoặc" - chị nói.
Hành trình góp phần khơi dậy và lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc đến với nhiều người của NSƯT Tuyết Mai chưa dừng lại đó. Chị còn tiếp tục đồng hành với dự án “Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học” do Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
NSƯT Tuyết Mai mang âm nhạc dân tộc đến học đường
55 tuổi đời nhưng NSƯT Tuyết Mai đã có 45 năm bền bỉ theo đuổi con đường mà mình đã chọn. Gần cả cuộc đời, NSƯT Tuyết Mai được sống “trọn vẹn” với một tình yêu bằng những việc làm mang ý nghĩa “góp phần khơi dậy và truyền cảm hứng - tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”. Có thể nói, đó cũng là cách chị góp phần để ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc luôn bùng cháy trong mọi không gian và thời gian.
Đón xem bộ phim tài liệu “NSƯT Tuyết Mai – Người truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc” phát sóng lúc 15g ngày 27/1 (Mùng 3 Tết Canh Tý) trên kênh HTV9.
Phương Minh