Phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn: Hướng đi mới cho TP.HCM

MINH NGỌC - VIỆT TRUNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/12/2023, 09:11

(HTV) - Khai thác hiệu quả giá trị to lớn của các dòng sông, nhất là sông Sài Gòn để tạo dựng hệ sinh thái kinh tế ven sông bài bản cho TP.HCM. Điều này mang lại nhiều lợi ích, từ phát triển kinh tế, du lịch đến bài toán hạ tầng giao thông.

Ngày 12/12, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Toạ đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn” với sự tham dự của lãnh đạo sở, ngành, địa phương và đại diện nhiều doanh nghiệp. 

 Toạ đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”

Tọa đàm là cầu nối để các doanh nghiệp nêu ra những khó khăn vướng mắc, kiến nghị giải pháp về cơ chế chính sách liên quan và để các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cùng bàn luận, phân tích về chiến lược phát triển kinh tế ven sông của TP.HCM trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia nhận định, sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông TP.HCM, thuận lợi cho việc phát triển mạng giao thông đường thủy, xây dựng bến bãi, giao thương hàng hóa thuận lợi. Mong muốn TP.HCM không chỉ phát triển về đường sông mà còn tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm du thuyền, nhà hàng, taxi đường sông và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Thời gian qua, TP.HCM cũng đã ban hành nhiều đề án, chương trình về phát triển kinh tế ven sông nhằm tối ưu, khai thác hiệu quả giá trị to lớn của các dòng sông, đặc biệt là sông Sài Gòn để tạo dựng hệ sinh thái kinh tế ven sông bài bản, bền vững, đem lại lợi ích cho người dân và thành phố. 

Các đại biểu thảo luận giải pháp phát triển ven sông Sài Gòn

Hiện tại có hiều doanh nghiệp tâm huyết, sẵn sàng phát triển du lịch đường sông, gắn chặt lợi ích cộng đồng. Do đó, TP.HCM cần có cơ chế để doanh nghiệp cùng chung tay xã hội hóa các bến tàu, trên cơ sở đó mới phát triển các tuyến du lịch thủy. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đường thủy nhằm đảm bảo phát triển các sản phẩm chất lượng, bền vững, tương xứng với tiềm năng.

Việc phát triển du lịch đường sông và giao thông đường thủy sẽ hình thành hệ thống các dịch vụ ven bờ sông, bến bãi, nhà chờ,... Người dân cũng sẽ được hưởng lợi nếu TP.HCM phát triển kinh tế sông Sài Gòn gắn với cộng đồng, đường thủy và góp phần giảm tải lớn cho giao thông đường bộ hiện nay. 

“Để việc phát triển ven sông bền vững thì không nên chăm chăm nhìn vào 2 bên bờ sông nhằm phát triển bất động sản vì dễ gặp phải những sai lầm như trước đây. Thay vào đó phải chú trọng phát triển mặt sông. ‎Điều này không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi mà còn tạo hệ sinh thái cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan 2 bờ sông.” -  Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TP.HCM nhận định.

Kết thúc tọa đàm, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thái Bình ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu, khách mời. Trong đó, nội dung phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đã tập trung thảo luận về sự cần thiết phát triển đồng bộ, liên thông của các ngành và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch. Các chuyên gia cũng nhìn nhận sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà TP.HCM đang sở hữu và cần có các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế dịch vụ sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các nước. 

Trong đó, việc vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 đối với TP.HCM để giải bài toán về kinh phí là rất cần thiết và ý nghĩa,... Qua đó, có thể kỳ vọng các sở ngành sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan, doanh nghiệp truyền tải những kiến nghị, vướng mắc đến lãnh đạo thành phố nói riêng và Chính phủ, các bộ ngành nói chung để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đưa ngành du thuyền phát triển và đẩy mạnh kinh tế ven sông Sài Gòn tương xứng với tiềm năng. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: