Ngoài những bộ phim tài liệu nhiều thông tin, đậm chất nghệ thuật, giàu cảm xúc, nhân dịp xuân Mậu Tuất, hãng phim TFS trân trọng gửi đến quý khán giả những bộ phim đặc sắc, khắc họa những con người, công việc đặc biệt, đó là những nét đẹp xung quanh chúng ta…
Học trò xứ Quảng
(Đạo diễn: Nguyễn Việt Bình - Quay phim: Nguyễn Vĩnh Hưng)
Bộ phim giới thiệu chân dung Tiến sĩ – Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng I Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được mọi người yêu quý gọi là “bác sĩ của nụ cười”.
Là người con quê hương Hòa Châu, Hòa Vang – Đà Nẵng, cha mất khi cậu bé Đẩu mới bốn tuổi (năm 1964), cũng từ năm ấy cạu bé phải xa mẹ theo người anh lớn tha hương về đất Sài Thành mưu sinh. 5 tuổi, mùa Trung Thu đầu tiên của cậu bé Nguyễn Văn Đẩu thật vui, đáng nhớ khi cùng với đám bạn trong xóm kiếm được ít tiền từ công việc dán lồng đèn. Và trong mười năm (từ 1965 đến tháng 4/1975), tan học về, là ngày tháng tất tả lao động mưu sinh của Đẩu. Lên mười, chiếc xe đạp trở thành người bạn đường thân quen đến trường và rong ruổi kiếm sống bằng việc bỏ mối bánh kẹo. Không kể có những phần việc của người lớn, như phụ hồ, làm gạch (block), làm thông gió... Với chiếc xe ba gát, Đẩu lại đạp đi bỏ mối nước đá; khi thì ở các vựa gỗ, rác thải, chở thuê, làm công gõ đinh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu – Bác sĩ của những nụ cười
Khó khăn là vậy, nhưng con đường học tập của cậu học sinh trường làng Nguyễn Văn Đẩu luôn thuận lợi. Suốt bậc tiểu học và trung học, lúc nào Đẩu cũng là học sinh xuất sắc, tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Làm việc tại Khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng I, Tiến sĩ – Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Đẩu có cơ hộ tiếp xúc nhiều cá nhân, tổ chức y tế và những nhà thiện nguyện trong và nước ngoài nên ông và các đồng nghiệp hiểu rất rõ những thành quả lao động không chỉ có ý nghĩa về mặt chuyên môn. Ở đó, kết quả và giá trị của từng ca phẫu thuật “Nụ cười cho em” là sự tương tác của tinh thần nhân văn cao cả thông qua chương trình Smile Train: đào tạo, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cũng như tài trợ chi phí phẫu thuật (phẫu thuật miễn phí) cho những bệnh nhân nhi sứt môi, hở hàm ếch có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay Khoa Răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng I đồng hành với tổ chức phi chính phủ - Quỹ Smile Train đã phẫu thuật hơn 5.000 bệnh nhân nhi, dự kiến đến tháng 2/2018 số ca phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch tăng số lượng lên đến 6.000 ca.
Tiếng lòng tôi
(Đạo diễn: Nguyễn Việt Bình - Quay phim: Nguyễn Vĩnh Hưng)
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ nhường phần ai?”, đó là lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn và cũng chính là thông điệp của đạo diễn Nguyễn Việt Bình khi chuyển tải câu chuyện về những người mẹ, người cha một đời thầm lặng kể chuyện nghề, chuyện đời bằng những âm thanh của tiếng chổi qua bộ phim tài liệu “Tiếng lòng tôi”.
Cuộc sống muôn vẻ, và ở bất cứ nơi đâu, cũng có những con người bình thường mà vĩ đại. Như những người công nhân quét đường, họ là những người không tuổi, không tên; nhưng lại là nhưng con người đáng qúy, đáng trân trọng. Họ hoà mình và cống hiến một cách hào hứng, sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình; với ước mơ sống đẹp, suy nghĩ đẹp, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung. Tiếng chổi của họ ngày đêm âm thầm góp công sức làm đẹp thêm cuộc sống của người dân TP. Hồ Chí Minh.
Những người thầm lặng làm đẹp cuộc sống
Vào những ngày lễ, ngày Tết thay vì được nghỉ ngơi như bao nghề khác, họ lại căng mình làm việc nhiều hơn. Sau màn bắn pháo hoa đẹp mắt, một đêm nghỉ lễ hay thậm chí là một buổi ăn mừng trận bóng... khi tất cả mọi người đang hân hoan những niềm vui của riêng mình; cuộc vui đã tàn, thứ còn lại sau cùng có lẽ dễ nhìn thấy là rác thải. Rác hiện hữu ở khắp mọi nơi và những người lao công lại âm thầm dọn những đống rác thải ngổn ngang khắp lòng phố, vỉa hè rồi đẩy đi trên xe rác chật cứng.
Ai không khát khao được cảm giác hạnh phúc vào những thời khắc thiêng liêng đêm ba mươi Tết. Khi mọi nhà đã quây quần ấm cúng quanh mâm cơm tất niên hay khi mọi người đón giao thừa đã trở về nhà, những người lao công vẫn lặng lẽ quét trên đường. Tránh làm sao khỏi những phút chạnh lòng do công việc đặc biệt. Để mọi người được đón ngày đầu tiên của năm mới với không khí thật trong lành, sự sạch sẽ và thắm tươi của muôn sắc hoa trên những con đường, người lao công đã sẵn sàng gác lại hạnh phúc bé nhỏ của cá nhân mình, với họ, đó là trách nhiệm, là niềm hạnh phúc, bao lâu nay, bao mùa lễ, Tết vẫn như thế.
Ngày qua, tháng lại lặng thầm, trải bước chân khắp đường phố, nếm đủ gió sương, phong trần; nhưng nụ cười vẫn ở trên môi; còn đôi bàn tay tô điểm từng con đường sạch tinh tươm bằng âm thanh. Hình ảnh công nhân quét rác thân thương, gần gũi, trong ngần biết bao. Cầu chúc sự an lành sẽ luôn đến với những con người làm nghề quét rác đáng kính trong không khí mùa xuân tươi vui, xuân Mậu Tuât.
Làng lưỡi câu với mùa nước nổi
(Đạo diễn: Khắc Tuấn - Quay phim: Huỳnh Lâm)
Một đặc điểm tự nhiên đặc biệt của đồng bằng sông Cửu Long, đó là mỗi năm thường có một mùa lũ. Mùa lũ nằm trong mùa mưa, kéo dài từ khoảng tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch (từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch). Không giống như lũ của miền Trung hay các tỉnh miền núi phía Bắc thường là lũ quét, lũ ống xuất hiện đột ngột, sức tàn phá rất cao và không đem lại lợi ích gì. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là một hiện tượng tự nhiên có khác. Lũ xuất hiện theo chu kỳ, nước lũ dâng theo một trình tự thời gian có thể dự báo khá chính xác.
Cho đến bây giờ, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn được xem là thiên tai, mối đe dọa lớn của tự nhiên đối với khu vực này. Lũ không chỉ tác động đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến giao thông, thủy lợi, xây dựng, y tế, giáo dục, qui họach nông thôn… Có khoảng từ 5-6 triệu người chịu ảnh hưởng trong vùng lũ, tùy theo triều lũ hàng năm cao hay thấp. Nhưng lũ ở đồng bằng sông Cửu Long ngoài những tác hại như đã nói, lũ còn đem lại những lợi ích thật đáng kể về kinh tế cũng như môi sinh. Hàng năm lũ mang đến lượng phù sa bổ sung cho đất đai rất đáng kể, lũ còn giúp rửa chua, tháo phèn, làm trôi đi côn trùng gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng trên đồng ruộng, tạo sinh cảnh kỳ thú cho phát triển du lịch, đặc biệt nguồn lợi thủy sản từ lũ mang về thật đáng kể, hàng trăm ngàn người dân vùng lũ đã sinh sống từ nguồn lợi này. Vì thế người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long ít khi gọi hiện tượng tự nhiên này là mùa lũ mà gọi là mùa nước nổi hay mùa cá lên.
Cảnh trong phim tài liệu "Làng lưỡi câu với mùa nước nổi"
Để khai thác tài nguyên do mùa lũ đem lại, nhiều nghề và làng nghề của người dân đồng bằng sông Cửu Long đã ra đời và phát triển qua hằng trăm năm nay. Trong đó có Làng lưỡi câu Mỹ Hòa, mà đạo diễn Khắc Tuấn và quay phim Huỳnh Lâm sẽ giới thiệu sinh động qua bộ phim tài liệu này. Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa tỉnh An Giang tồn tại cho đến nay đã trên dưới 60 năm, có lẽ làng nghề này là một ví dụ trực quan về việc người dân vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đời không những đã biết sống chung với lũ mà còn khai thác rất hiệu quả những tài nguyên mà mùa lũ đã đem lại cho con người.
Thùy Trang