Tạp chí HTV - Xuân quê hương

Rượu vang ngày Tết

“Thượng để chỉ tạo ra nước, con người mới làm nên rượu vang”, tôi thích câu nói của đại văn hào Victor Hugo. Tôi không phải là tín đồ rượu vang nên cũng không dám cao đàm khoác luận. Đơn giản, tôi mê rượu vang, thích tìm hiểu về rượu vang. Đơn giản hơn, ngày Tết, ngồi với những người bạn tri âm, tri kỷ, nhấp ly rượu vang và nói về những điều hay ho, tôi gọi ấy là hạnh phúc!

Thức uống của các vị thần

Rượu vang đang ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng. Nhấp ly rượu vang mà không hiểu về lịch sử của loại đồ uống có độ tuổi ngang với nền văn minh loài người sẽ là thiếu sót làm giảm đi sự tinh tế của loại rượu được coi là món quà quý giá Thượng đế ban tặng cho loài người.

Rượu vang có từ khi nào vẫn còn tranh cãi, nhưng rượu vang là một phần của văn hóa loài người là lẽ đương nhiên. Những truyền thuyết về nguồn gốc rượu vang rất hấp dẫn. Kinh Thánh nói rằng Noah và con trai của ông đã làm rượu vang trên núi Ararat. Rượu vang cũng liên quan đến một câu chuyện của vị vua Ba Tư là Jamshid và hậu cung của ông. Ngày kia, vua trục xuất một trong các bà vợ của mình ra khỏi vương quốc, khiến cô trở nên chán nản và muốn tự tử. Cô đi đến nhà kho của vua và tìm thấy một cái bình có đánh dấu "thuốc độc", trong bình có chứa nho thừa đã bị hỏng và cô uống để kết thúc cuộc đời mình. Nhưng cô không biết, nho "hỏng" thực sự là kết quả của quá trình lên men biến nho thành rượu. Sau khi uống thứ nước nho bị gọi là “thuốc độc”, cô thấy dễ chịu và tinh thần phấn chấn hơn. Cô dâng khám phá của mình cho nhà vua, ngay lập tức nhà vua đã say mê thứ “độc dược” này, ông tha tội cho cô và lệnh tất cả nho trồng ở Persepolis sẽ được dùng để làm rượu.

Một vườn nho ở Bordeaux, Pháp, nơi sản xuất loại rượu vang lừng danh 

Tìm hiểu nguồn gốc rượu vang có rất nhiều thông tin, trang Google viết như thế này: “Lịch sử rượu vang kéo dài hàng nghìn năm và gắn bó chặt chẽ với lịch sử nông nghiệp, ẩm thực, văn minh, loài người. Bằng chứng khảo cổ sớm nhất cho thấy con người đã làm rượu vang tại Gruzia vào khoảng 6.000 năm TCN, một số địa điểm khảo cổ đáng chú ý khác là Iran và Armenia cũng phát hiện các bằng chứng về rượu vang có niên đại tương ứng là 5.000 năm và 4.000 năm TCN. Bằng chứng khảo cổ học cũng cho thấy nho thuần hóa đã được trồng vào thời đại đồ đồng sớm ở Cận Đông, Sumer và Ai Cập từ khoảng thiên niên kỷ thứ ba TCN. Bằng chứng về sản xuất rượu vang sớm nhất ở Châu Âu đã được phát hiện tại các địa điểm khảo cổ ở miền bắc Hy Lạp (Macedonia) có niên đại cách ngày nay khoảng 6.500 năm. Những địa điểm khảo cổ khác cũng phát hiện các tàn tích chứng minh việc nghiền nho đã xuất hiện từ rất sớm ở tại Hy Lạp. Dấu vết về rượu vang hoang dã từ thiên niên kỷ thứ hai và thứ nhất TCN được phát hiện ở Trung Quốc”.

Khi thưởng thức một ly rượu vang hảo hạng, người ta không chỉ cảm thấy chuếnh choáng bởi men rượu mà còn ngây ngất bởi thứ văn hóa đã tạo ra cái chất lỏng óng ánh quyến rũ mà thần thoại Hy Lạp đã viết ấy. Sự quan trọng của rượu vang trong văn hóa phương Tây có lẽ bắt nguồn từ người Hy Lạp. Trong số 12 vị thần tối cao trên đỉnh Olympus, chỉ có duy nhất thần rượu vang Dionysus tuy có mẹ là người trần gian những vẫn được đặc cách ngồi ngang hàng với 11 vị thần có nguồn gốc hoàn toàn siêu nhiên kia. Ở Hy Lạp, xa xưa các nhà chính trị hay triết học mỗi khi bàn luận vấn đề quan trọng họ đều ngồi bên những chai vang lớn. Họ gọi đó là “symposium”, nghĩa đen là uống cùng nhau. Ngày nay, từ “symposium” mang ý nghĩa là hội thảo hay hội nghị.

Thưởng thức rượu vang không chỉ là một nét văn hóa mà còn là cả một nghệ thuật

Người Hy Lạp đã góp phần truyền bá rượu vang và văn hóa uống rượu vang đến các nước. Người ta tìm thấy những xác tàu Hy Lạp bị đắm ở ven bờ biển của Pháp với những vò rượu trên 300 ngàn lít. Kể từ TCN, người Hy Lạp đã xuất khẩu hơn 10 triệu lít rượu vang mỗi năm đến xứ Gaul, tức nước Pháp ngày nay. Người La Mã tiếp nối hầu hết truyền thống làm và uống rượu vang của người Hy Lạp. Người La Mã cũng chia rượu vang thành nhiều cấp độ. Sự phân biệt vùng miền và cấp độ rượu vang của người la Mã vẫn được hậu duệ tiếp thu các bí kiếp cho đến hôm nay. Từ Hy Lạp, La Mã, rượu vang được người Pháp tiếp nhận một cách bài bản. Cây nho và phương pháp làm rượu nho bắt đầu “viễn du” đến những vùng đất khác. Ngay trong chuyến đi sáng châu Mỹ lần thứ hai của Columbus, người Tây Ban Nha đã tìm cách trồng nho trên bờ biển Caribê. Năm 1595, châu Mỹ đã là nơi sản xuất rượu vang khủng đến nỗi Hoàng gia Tây Ban Nha ra lệnh cấm trồng thêm nho để bảo vệ ngành sản xuất rượu vang nội địa. Nhưng lệnh cấm dường như đã muộn bởi các nước Peru, Chile, Argentina đã trở thành những địa chỉ sản xuất rượu vang thượng thặng.

Văn hóa rượu vang

Vì mê rượu vang, tôi đăng ký theo học lớp “Tìm hiểu rượu vang” do ông Tô Việt, chuyên gia quốc tế về rượu vang (Việt kiều Pháp - Chủ tịch Hội Chuyên gia Rượu vang TP.HCM) giảng dạy tại Đà lạt. Quả thật, tôi như người ngoại đạo vỡ òa những điều thú vị về rượu vang. Muốn cảm nhận rượu vang phải thưởng thức bằng cả 5 loại giác quan. Đầu tiên rót rượu ra ly, lắc nhẹ và kiểm tra bằng mắt xem màu sắc, độ trong suốt và độ ánh của rượu. Kiểm tra bằng khứu giác: cảm nhận hương thơm của rượu. Kiểm tra bằng vị giác: phân biệt được các vị khác nhau của rượu cũng như độ lan tỏa, độ sánh, độ cồn. Rượu vang ngon phải tổng hợp hài hòa nhiều vị khác nhau, trong đó chủ yếu là 3 vị: ngọt, chát và chua. 

Đằng sau mỗi chai rượu vang là cả một câu chuyện đầy lãng mạn, giống hệt như xuất xứ của loại đồ uống ngọt ngào và mê đắm này. Rượu vang không chỉ là một đồ uống đơn thuần mà đã trở thành một vấn đề văn hóa giống như văn chương, âm nhạc hay hội họa. Thưởng thức rượu vang không chỉ là một nét văn hóa mà còn là cả một nghệ thuật. 

Chuyên gia rượu vang Tô Việt - Chủ tịch Hội Chuyên gia Rượu vang TP.HCM chia sẻ về cách sử dụng và bảo quản rượu đúng cách

Chuyên gia Tô Việt chia sẻ: “Ở Pháp hầu hết các món ăn đều có rượu vang đi cùng, chúng hòa quyện vào nhau hỗ trợ và bổ sung cho nhau tạo thành một bức tranh đầy màu sắc và hương vị. Sự kết hợp giữa rượu vang và các món ăn kể ra cũng rất phức tạp, nhưng nói chung phải thiết lập được mối liên lạc hài hòa giữa mùi vị của rượu và cái ngon của món ăn. Quan trọng nhất là độ đậm nhạt, hương thơm của thức ăn và rượu. Nguyên tắc đơn giản khi kết hợp giữa thức ăn với rượu vang: vang trắng đi với thịt trắng và vang đỏ đi với thịt đỏ hoặc vang trắng thích hợp với món ăn nhẹ (súp, cá, patê gan, cá hun khói, tôm); rượu đỏ với các món ăn nặng mùi hơn (các món nướng, rán, nhiều gia vị); hoặc thức ăn và rượu cùng mùi thơm thì đi chung với nhau; hoặc rượu ngọt; như White Zinfandel thích hợp với món ăn cay; rượu khai vị như Champagne với món ăn hun khói hoặc mặn; rượu rẻ tiền với phô mai (vì chất béo và đạm làm rượu ngon hơn). Một nguyên tắc khác mọi người cũng cần lưu ý là rượu trắng uống trước rượu đỏ, rượu non uống trước rượu để lâu, rượu khan uống trước rượu ngọt, rượu dịu uống trước rượu nồng, không chọn rượu với món ăn ngọt hơn rượu”.


Để hiểu rượu vang phải biết cách chọn món ăn phù hợp 

Một người chơi vang sành sỏi không phải là người sở hữu những chai vang đắt tiền mà phải hiểu nó và biết cách thưởng thức nó. “Có những chai vang phải để lâu, trải qua quá trình “ngủ đông” khi mang ra thưởng thức mới đạt đến đỉnh cao. Muốn dự đoán được “đỉnh cao” của một chai rượu lại cần phải hiểu nó ra đời năm nào, năm ấy khí hậu ra làm sao, có tuyết không, có sương giá không, độ dày của vỏ bao nhiêu… để biết độ ô xy hóa của rượu đến đâu, có thể để lâu hay không. Nếm nó để biết nó có thể phát triển đến mức nào, nên để 10 hay 20 năm nữa hãy mở… Tóm lại, “nuôi vang” cũng giống như nuôi một đứa trẻ, phải quan sát nó từ bé để dự đoán khi trưởng thành nó sẽ trở thành người như thế nào. Cái thú của chơi vang chính là ở chỗ ấy”, chuyên gia Tô Việt giải thích.

Người Việt xem uống vang như một loại hình nghệ thuật bởi ngoài hương vị thanh cao, nó còn là thước đo giá trị bản thân người thưởng thức. Càng ngày, người Việt uống rượu vang càng sành điệu hơn, và cũng không biết từ bao giờ, những giỏ quà Tết thường có chai rượu vang. 

Không ai uống rượu vang một mình. Vang ngon phải có hai người trở lên, cùng uống và chia sẻ cảm xúc. Những người chơi vang cũng như người chơi nhạc, họ luôn khao khát tri kỷ. “Cách tốt nhất để hiểu một ly vang là ngồi uống cùng với một người am hiểu. Thế nên mới nói: “Rượu ngon phải có bạn hiền”, là vậy!
Minh Diệu