Ngày Tết, bên cạnh việc ăn Tết, chúc Tết thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa và cây kiểng cũng được xem là điều thi vị, là thú chơi tao nhã, đã trở thành một nghệ thuật, một nét văn hóa độc đáo của người Việt.
Hoa đào miền Bắc ngày Tết
Chưng hoa và cây kiểng trong ngày Tết vừa thể hiện sự sum vầy, tạo không khí tươi vui cho ngày đoàn tụ, vừa tượng trưng cho sự may mắn với lời chúc một năm mới thành công.
HOA TẾT
Hoa đào là biểu tượng ngày Tết của miền Bắc thì hoa mai là biểu tượng ngày Tết của người dân miền Nam. Hoa đào thể hiện cho sự đổi mới, sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ và được xem là tinh hoa của Ngũ hành thì hoa mai mang ý nghĩa may mắn, tốt đẹp, là khởi đầu thịnh vượng cho một năm mới.
Chưng hoa mai trong ngày Tết được xem là đặc trưng cho cách ăn Tết của riêng người Nam bộ, đã trở thành một điểm nhấn đẹp cho ngôi nhà, và tạo thêm không khí thiêng liêng cho những ngày đầu xuân. Với đặc tính chỉ nở hoa một lần trong một năm, riêng mai tứ quí là nở quanh năm, cho nên, hoa mai vàng giống như bức thông điệp báo hiệu xuân về, Tết đến.
Để có được chậu mai kiểng đẹp, người nghệ nhân cũng phải bỏ nhiều công sức
Để có được những cây mai vàng chưng Tết, người trồng mai cũng vất vả, cực nhọc “một nắng hai sương” giống như người nông dân trồng lúa. Chăm sóc mai không chỉ cần kiến thức và tay nghề, mà nghệ nhân cần phải có kinh nghiệm kế thừa từ nhiều thế hệ, vì mỗi cây mai có những đặc tính về sinh trưởng và trổ hoa khác nhau.
Công việc chiết ghép, dâm cành, tạo hình, tạo dáng cho cây mai là một nghệ thuật kỳ công, mà nghệ nhân phải tốn nhiều thời gian chăm sóc, theo dõi để có được một cây mai đẹp, bảo đảm nở nhiều bông, nhất là trong ngày 30 và mùng 1 Tết.
Trước đây, chủ yếu là mai tự nhiên, tức mai trồng bằng hạt là chủ yếu, còn vài ba thập niên trở lại đây, mai ghép dần dần lấn sân, vì mau lớn, mau ra hoa với nhiều loại hoa khác nhau, phục vụ cho nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, nhất là cư dân đô thị.
Không khó để tìm được một cây mai ưng ý chưng trong những ngày Tết, điều quan trọng là, người chơi mai biết quý trọng công sức của những nghệ nhân đã tạo nên những cây mai ngày càng đẹp, có nhiều dáng thế hơn, nở nhiều hoa hơn, đồng thời, hoa có nhiều cánh và lâu tàn hơn so với trước đây. Nhìn ngắm một cây mai đẹp trong ngày Tết, chính là cảm thụ sự giao hòa thiêng liêng của đất trời vào xuân.
KIỂNG TẾT
Nói đến cây kiểng thì không thể không nhắc đến vùng Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Hàng năm, nơi đây cung cấp một số lượng hoa kiểng rất lớn cho thị trường và đặc biệt không có nơi nào phát triển nghề làm kiểng hình thú như ở Chợ Lách - Bến Tre.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Công (cơ sở cây cảnh Nam Công ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) - người có hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng hoa kiểng thì: “Không biết kiểng hình thú xuất phát tự bao giờ, nhưng từ thời của các bậc tiền bối đã có làm những sản phẩm này nhưng với kiểu dáng khá đơn giản, chủ yếu là làm phong phú hơn cho hoa kiểng”. Và cũng theo ý kiến của nhiều bậc cao niên thì có lẽ kiểng hình thú bắt nguồn từ sự sáng tạo của những nghệ nhân ở vùng Chợ Lách này.
Kiểng hình thú được cung cấp nhiều từ Chợ Lách - Bến Tre
Cho đến nay, cái khó của nghề làm kiểng hình thú vẫn là chưa có sách vở và thầy dạy, nên muốn làm được kiểng hình thú thì đòi hỏi phải có năng khiếu bẩm sinh và sự công phu tỉ mỉ của nghệ nhân. Các nghệ nhân trẻ nơi đây đã kế thừa những tinh hoa của ông bà để lại kết hợp với những sáng tạo mới đã làm nên những tác phẩm kiểng hình thú tinh tế.
Tùy vào kích thước mà kiểng hình thú có thể trưng bày nhiều nơi khác nhau, từ không gian sinh họat của gia đình đến những khu vui chơi công cộng và thường được bố trí thành đôi để mang ý nghĩa tốt lành. Chưng kiểng hình thú sẽ làm cho không gian như vui tươi hơn, con người như xích lại gần với thiên nhiên hơn.
Hoa và cây kiểng tạo ra sự thích thú, tươi vui, hưng phấn cho người thưởng lãm. Sự hưng phấn, thích thú ấy càng gia tăng khi người chơi hoa kiểng tự tay nuôi trồng, chăm sóc chúng. Bằng công việc vun tưới, cắt tỉa, chăm sóc hàng ngày, người chơi hoa kiểng trải qua từng ngày mong đợi, kỳ vọng vào thành quả lao động của mình. Và khi đạt được, thì đó là nổi vui mừng, hạnh phúc dâng trào.
Hoa cảnh không chỉ là cái đẹp của hương sắc mà nó còn mang hồn người. Đó là sự gắn bó giữa con người và vạn vật của đất trời, giúp con người tìm lại chính mình. Thú chơi hoa và cây kiểng trong ngày Tết không những thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt, nó còn mang ý nghĩa sâu xa: Mùa xuân sẽ mang tài lộc đến cho con người.
LÀNG HOA ĐÓN TẾT
Sẽ là một thiếu sót khi nói đến hoa kiểng Tết mà không nhắc về làng hoa kiểng Sa Đéc - hay còn gọi là làng hoa kiểng Tân Quy Đông, tỉnh Đồng Tháp. Làng hoa kiểng có bề dày lịch sử truyền thống hơn 100 năm, không chỉ cung cấp hoa kiểng cho khắp các tỉnh thành trên cả nước mà còn là địa điểm thu hút khách tham quan du lịch quanh vùng.
Các giàn hoa được trồng trên giàn cao ở làng hoa Sa Đéc
Đặc điểm góp phần làm cho làng hoa kiểng Sa Đéc trở nên nổi bật và khác biệt hơn so với những làng hoa khác là hoa ở đây không chỉ được trồng ở những luống thẳng tắp, nối tiếp trên đất mà còn được trồng trên các giàn cao, phía dưới là mặt nước xăm xắp được dẫn vào từ con rạch. Vào tháng mưa hoặc mùa nước nổi, người dân muốn chăm sóc cho cây phải đi ủng cao hoặc phải dùng ghe nhỏ, chèo len lỏi vào các luống cây mới có thể chăm sóc được cây. Hình ảnh hết sức nên thơ ấy đã làm nên nét đặc trưng riêng của làng hoa kiểng Sa Đéc và tuyệt vời hơn trong mắt du khách tham quan.
Đến với Làng hoa kiểng Sa Đéc, dù bất cứ tháng nào trong năm, du khách cũng có thể ngắm hoa và chụp ảnh thỏa thích, nhưng đặc biệt hơn hết vẫn là tháng Chạp âm lịch - thời điểm làng hoa kiểng Sa Đéc được xem là đẹp nhất, nhộn nhịp nhất.
Có dịp ghé thăm làng hoa kiểng Sa Đéc vào những ngày cận Tết, chắc chắn rằng bạn sẽ bị mê hoặc bởi sức quyến rũ huyền diệu của vùng quê này.
Khánh Phương