XUÂN CANH TÝ 2020 - XUÂN QUÊ HƯƠNG

Tạo hình trái cây ngày Tết

Tạo hình cho trái cây là hình thức ép trái cây phát triển theo một cái khuôn đã được định sẵn, để trái cây có được những hình dáng như mong muốn, vừa độc đáo, mới lạ lại vừa mang ý nghĩa để phục vụ cho nhu cầu chưng Tết của người dân.

Tạo chữ Lộc trên bưởi – dừa – xoài

Nếu như trước đây các nhà vườn chỉ chú trọng việc cung cấp sản lượng trái cây thương phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế, thì những năm gần đây, nhiều nhà vườn rất quan tâm đến việc ứng dụng những phương pháp kỹ thuật mới, những sáng tạo mới để tạo cho trái cây có được những hình dáng đẹp mắt, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. 

Tại Việt Nam có rất nhiều nơi đã ứng dụng phương pháp tạo hình cho trái cây, song Bến Tre vẫn là nơi được nhiều người biết đến bởi nơi đây có rất nhiều vườn trái cây cũng như nhà vườn - nghệ nhân đam mê sáng tạo với tay nghề cao. Về Bến Tre vào dịp giáp Tết, bạn sẽ thấy không khí sôi động trong thị trường buôn bán loại hình trái cây này. 

Bởi lẽ, theo quan niệm của người Việt, Tết Nguyên đán là những ngày đặc biệt nhất trong năm, đó là thời gian để đoàn viên, sum vầy bên người thân và cầu chúc một năm mới với nhiều điều tốt đẹp nhất. 

Thông thường, để chuẩn bị cho những ngày Tết thì hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm trái cây hay còn gọi là mâm ngũ quả. Gọi là ngũ quả nhưng thật ra, việc lựa chọn và bày biện những loại quả gì trên mâm còn tùy thuộc vào từng địa phương với những đặc thù về khí hậu, sản vật và quan niệm văn hóa riêng. Từ đó, người ta chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tâm linh, tinh thần nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính và nguyện ước của gia chủ cho cuộc sống no đủ, an khang, hạnh phúc đủ đầy.

Mâm ngũ quả ngày Tết

Trái cây tượng trưng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài cũng như mang một ý nghĩa chung sâu sắc, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành của gia chủ cho một năm mới sắp tới. Do đó, trưng bày trái cây trong ngày Tết đã trở thành nét văn hóa độc đáo của mỗi gia đình Việt, trở thành một điểm nhấn đẹp cho ngôi nhà, đồng thời tạo thêm không khí thiêng liêng cho những ngày đầu xuân. 

Theo chia sẻ của anh Huỳnh Thanh Tâm - nghệ nhân tạo hình trái cây tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, để có được những cặp trái cây tạo hình chưng Tết, những nhà vườn - những nghệ nhân tạo hình trái cây không chỉ vất vả, cực nhọc “một nắng hai sương” chăm sóc trái cây giống như người trồng cây ăn trái bình thường mà còn phải có kiến thức, tay nghề và có kinh nghiệm trong việc tạo hình thì mới làm được. 

Anh Huỳnh Thanh Tâm bên sản phẩm sáng tạo của mình

Quá trình tạo hình cho trái cây phải diễn ra trong nhiều tháng và phải trải qua nhiều khâu chăm sóc khác nhau. Ví dụ, để tạo hình cho trái bưởi da xanh có hình thỏi vàng, hình vuông hay hình đồng tiền tài lộc… phải trải qua nhiều công đoạn. 

Đầu tiên, người nghệ nhân phải thực hiện khâu chọn trái trước vài tháng, phải canh bông bưởi ra hoa sao cho khi trái bưởi chín phải đúng dịp Tết. Bông đậu trái thì cắt tỉa bớt trái nhằm đảm bảo cho trái phát triển tốt, khi trái lớn bằng trứng gà thì dùng bao giấy bao lại để sâu bọ không tác động vào. Đợi đến khi trái bưởi phát triển nặng khoảng 200 gam thì tiến hành khâu gắn khuôn vào trái, muốn trái có hình dạng như thế nào thì chọn khuôn có hình dạng như thế đó và phải che chắn cho khuôn để ánh nắng mặt trời không xuyên vào làm cho bưởi bị sần, nám da. 

Tạo hình trên bưởi da xanh có độ khó cao

Khi trái bưởi trên cây đã đủ kích thước và đúng thời điểm cho dịp chưng Tết thì cắt chúng xuống khỏi cành. Tùy mỗi loại trái khác nhau, mà cách xử lý sẽ khác nhau, điểm chung là do kinh nghiệm sáng tạo của từng nghệ nhân chứ không theo một công thức chuẩn mực nào cả. Thông thường với 100 trái bưởi tạo hình thì kết quả thu hoạch chỉ được khoảng 50 trái đẹp. Bởi vậy giá thành của những sản phẩm này rất cao.

Khác với bưởi hay xoài, sau khi cắt trái khỏi cây là có thể mang đi cung cấp cho thị trường, trái dừa còn phải trải qua thêm nhiều công đoạn xử lý như: lên khuôn chữ và in chữ trên trái. Công đoạn này là bí quyết sáng tạo của mỗi nghệ nhân nên rất ít được các nghệ nhân chia sẻ. Công đoạn cuối cùng là phủ lên trái dừa lên một lớp sơn phủ để trái dừa trông được đẹp hơn, bóng mượt, đều màu và để trưng bày trong thời gian dài mà không lo lớp vỏ ngoài bị khô hay nứt. Trang trí thêm một ít bột kim tuyến để tạo độ nhủ cho trái thêm phần hấp dẫn. 

Dừa hồ lô

Theo kinh nghiệm tạo hình trái cây của nhiều nghệ nhân thì tạo hình trên trái bưởi da xanh là khó nhất và hiện nay trên thị trường ở Bến Tre dường như chỉ mới có anh Thanh Tâm là tạo hình thành công trên trái bưởi da xanh.

Thùy Trang