(HTV) - Thơ ca là lời hay ý đẹp, là nghệ thuật của ngôn từ và cũng chính là nghệ thuật của cuộc sống. Để yêu thơ, hiểu thơ, làm được thơ hay là cả một quá trình rèn luyện lâu dài của những người yêu thơ.
Hiện nay, việc hình thành và phát triển các câu lạc bộ học thuật nói chung và câu lạc bộ thơ văn nói riêng trong nhà trường, không chỉ bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, tạo không gian để học sinh thể hiện mình mà còn giúp học sinh tìm về các giá trị truyền thống nhân văn trong cuộc sống. Vài năm trở lại đây, khi giáo dục hướng đến phương châm phát triển toàn diện, loại hình các câu lạc bộ học thuật trong nhà trường đã được chú ý và xây dựng.

Hình thành và phát triển các câu lạc bộ học thuật nói chung và câu lạc bộ thơ văn nói riêng trong nhà trường giúp học sinh tìm về các giá trị truyền thống nhân văn trong cuộc sống
Theo Thạc sĩ Đoàn Xuân Nhung - Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Võ Trường Toản, TP.HCM, thơ ca trong nhà trường xuất phát từ các hoạt động trong CLB bởi đây là nơi nuôi dưỡng gieo mầm nhỏ để các em có thể làm những bài thơ đầu tiên, được trau chuốt, chỉnh sửa để các em hiểu được làm thơ phải có sự đầu tư trong câu chữ ngôn từ của mình. Trong quá trình sinh hoạt ở trường hoặc đi giao lưu với hội nhà văn, nhà thơ, hay đi hội sách, chính sự kết nối đó tạo cho các em thấy con đường đến với thơ ca, đến với văn học rất gần gũi với đời sống của mình. Thơ ca không chỉ để giải trí mà còn vận hành trong đời sống rất hữu ích. Trong chương trình giao lưu chủ đề "Vần điệu thi ca dưới mái trường" do Hội nhà văn TP.HCM tổ chức, các tác giả có tác phẩm góp mặt trong sách giáo khoa đã cùng giao lưu, chia sẻ đến các em nhỏ và thầy cô về tác phẩm của mình cũng như ý nghĩa của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng trong đời sống.
Thạc sĩ Đoàn Xuân Nhung - Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Võ Trường Toản, TP.HCM cho biết thêm , trong chương trình giáo dục 2018 đều trải dài có các thể lọai thơ: lục bát, 5 chữ, 4 chữ, 7 chữ, 8 chữ,... quá trình đến đây để giao lưu với các nhà thơ có thể giúp các em cảm thụ sâu hơn về các chi tiết, hình ảnh, nghệ thuật cũng như nội dung giá trị mà bài thơ mang đến cho cuộc sống ủa chúng ta.
Thơ ca là lời hay ý đẹp, là nghệ thuật của ngôn từ và cũng chính là nghệ thuật của cuộc sống
Nhà thơ Lệ Bình - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, nếu một tác phẩm nào của nhà văn nhà thơ đi vào lòng độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ thì đó là niềm hạnh phúc vô giá. Hạnh phúc không phải là sự nổi tiếng mà hạnh phúc là sự cộng hưởng với nhiều tâm hồn. Ví dụ như bài thơ "Tia nắng hạt mưa", là bài đi vào các lứa tuổi hoa ở các mái trường, rất vô tư.
Xây dựng được phong trào yêu thơ văn mạnh mẽ, xuất bản những tập san văn học đầy sắc màu cũng giúp học sinh kết nối được với nhau thông qua các trang viết, bài thơ đầy cảm xúc tuổi học trò.


Sinh hoạt ở trường hoặc giao lưu với hội nhà văn, nhà thơ tạo cho các em thấy con đường đến với thơ ca, đến với văn học rất gần gũi với đời sống của mình
Nhà thơ Khánh Chi - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, thực ra văn chương mới là điều đi theo suốt cuộc đời mỗi người. Khi chúng ta nói một điều gì đó, thể hiện với ai tình cảm gì đó, muốn ai hiểu bạn, cảm thấy bạn hiểu biết và sâu sắc thì tất cả đều là văn. Vì vậy, nên chú trọng để con em mình yêu văn chương, đọc được văn chương và hiểu văn chương thơ ca thì rất tốt cho cuộc đời sau này.
Đề cập đến những bài thơ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, các tác giả cho rằng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng, không chỉ hay về mặt nội dung mà còn phải đạt yêu cầu về thẩm mỹ. Nếu đưa vào nhà trường những tác phẩm còn gợn, gây tranh cãi sẽ rất ảnh hưởng đến thế hệ mai sau bởi văn học thiếu nhi bồi dưỡng tâm hồn cho lớp trẻ và cũng bồi dưỡng cho nhiều thế hệ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9