(HTV) - Nằm trong khuôn khổ hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 03 - năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Công ty Cổ phần Santani tổ chức chương trình giao lưu "Quá trình phát triển sách và văn hóa đọc từ truyền thống đến hiện đại".
Chương trình "Quá trình phát triển sách và văn hóa đọc từ truyền thống đến hiện đại", tập trung tìm hiểu về sự ra đời của sách bản in tại Việt Nam và vai trò của chuyển đổi số những nguồn tư liệu quý này thành tài liệu quảng bá văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Chương trình "Quá trình phát triển sách và văn hóa đọc từ truyền thống đến hiện đại"
Trong đó, điểm nhấn là giới thiệu không gian sử dụng công nghệ thực tế ảo do Công ty Công nghệ Văn hóa Dybi phối hợp cùng các bạn học sinh thực hiện, như một cách khẳng định người trẻ có thể tham gia vào việc thu thập tư liệu, đóng góp nội dung, hình thành nên không gian đọc và chia sẻ trải nghiệm đọc sách, giúp tăng khả năng tương tác bằng các phương thức cải tiến mới trong công nghệ hiện nay.
Giới thiệu không gian sử dụng công nghệ thực tế ảo do Công ty Công nghệ Văn hóa Dybi phối hợp cùng các bạn học sinh
Vai trò của công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy văn học Việt Nam
Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM đã nhấn mạnh di sản trường tồn của văn học Việt Nam, đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn và phổ biến những tác phẩm này cho các thế hệ tương lai: “Ông cha ta đã viết và lưu hành những tác phẩm mà tới giờ này chúng ta là con cháu, chúng ta vẫn còn biết như các tác phẩm tiêu biểu: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều… đó là những tác phẩm có giá trị truyền thống, là tác phẩm vô cùng quý giá và là khởi nguồn trong văn học từ xa xưa của đất nước. Những người làm xuất bản đã ý thức đó là kế thừa và phát huy, những giá trị tốt đẹp của những tác phẩm được viết cách đây rất lâu, để phục vụ cho người đọc hiện nay”.
Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM
Thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia - nơi lưu trữ rất nhiều các tài liệu quý, đã có nhiều cách đưa các tài liệu này đến độc giả, công chúng. Có thể kể đến là việc sử dụng công nghệ, số hóa các tài liệu quý hay trưng bày triển lãm tại các địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chia sẻ tại chương trình
“Chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện, trong đó có tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm ở các địa phương. Đặc biệt tổ chức chuỗi sự kiện di sản với học đường, những phiên bản mộc bản, mang nội dung của các tài liệu mộc bản, đến với công chúng mà đặc biệt là các em học sinh. Từ các tư liệu của mộc bản triều Nguyễn ghi chép lại, thì các em học sinh rất hứng thú. Và chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện hơn như thế nữa để giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống cho công chúng”, ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chia sẻ.
Tại chương trình, công chúng đã được xem lại quá trình hình thành và phát triển của Mộc bản, kể về câu chuyện những bản in đầu tiên của Việt Nam từ Mộc bản - Di sản tư liệu do triều Nguyễn phát triển. Từ đây, đã mở ra những tài liệu lưu trữ thành các trang sách quý ngày nay và tiếp biến thành tư liệu số lan tỏa cho thế hệ sau.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9