(HTV) - Mới đây phía Trung Quốc lại tiếp tục đưa ra cảnh báo về việc sầu riêng Việt Nam sang thị trường này bị nhiễm kim loại nặng là Cadimi. Trong khi chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là nông dân bắt tay vào thu hoạch sầu riêng chính vụ.
Việc sầu riêng Việt Nam liên tục bị đưa ra cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm khiến nông dân và doanh nghiệp lo lắng sẽ ảnh hưởng đến cả ngành hàng xuất khẩu.
Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo về việc sầu riêng Việt Nam bị nhiễm Cadimi nặng
Thông tin sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng Cadimi vượt mức cho phép, anh Trần Văn Lê Trung cũng như nhiều nông dân đang trồng sầu riêng đúng tiêu chuẩn ở Tiền Giang rất lo lắng. Vì nếu ngành hàng liên tục bị cảnh báo vi phạm chất lượng thì sẽ có nguy cơ tạm ngừng xuất khẩu. Anh Trung bày tỏ lo lắng không biết vài năm tới sẽ thế nào. Hi vọng nhà nước có cách khắc phục nhanh để sầu riêng đạt chuẩn của bà con ở đây có thể thuận lợi xuất khẩu đi Trung Quốc.
Sầu riêng chính vụ năm nay dự kiến sẽ trúng mùa, thế nhưng sự việc này cũng làm doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Ông Võ Tấn Lợi - Giám đốc công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Phương Ngọc cho biết: "Nếu trường hợp tới mùa vụ mà các nhà chuyên môn chưa tìm ra được nguyên nhân có chất cadimi này thì sẽ rất phiền phức. Vì khi qua Trung Quốc, Hải Quan sẽ kiểm tra từng container. Khi đó thì thiệt hại lớn nhất là hàng bị chậm trễ, mà sầu riêng chậm trễ vài ngày là sầu riêng chín và nứt hết. Thiệt hại cũng về doanh nghiệp. Thì lúc đó là chỉ bóc cơm bán làm nguyên liệu, thiệt hại cỡ 50% rồi".
Cảnh báo Cadimi trong phân bón DAP: Nguy cơ cho nông sản Việt Nam
Cadimi là một loại kim loại nặng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực. Theo chuyên gia, trong nông nghiệp nguồn ô nhiễm Cadimi chủ yếu là trong các loại phân bón. Năm nay là năm cuối Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực, do vậy, vấn đề này cũng đặt ra lo ngại Trung Quốc sẽ xem xét lại.
Việc 30 lô sầu riêng vượt dư lượng chất Cadimi là hồi chuông cảnh báo đối với hoạt động kiểm soát chất lượng mặt hàng tỷ USD của Việt Nam. Câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề lớn cho ngành nông sản Việt Nam trong việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu trồng trọt. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa bày tỏ kỳ vọng, nếu bảo vệ Nông nghiệp Việt Nam, môi trường Việt Nam thì cần xây dựng hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt. Và trước hết là phải tôn trọng những tiêu chuẩn Việt Nam quy định, sau đó muốn đáp ứng đối tác thì phải làm đúng yêu cầu của bên họ. Chúng ta phải cái họ cần chứ không phải bán cái chúng ta có sẵn. Ông Nghĩa đề nghị các nhà chức trách phải xây dựng một hàng rào kỹ thuật thật kỹ để bảo vệ môi trường Việt Nam. Nếu không thì chúng ta sẽ phải trả giá về sức khỏe, môi trường và xuất khẩu nông sản bị thất bại.
Hiện bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang thu hồi hồ sơ và rà soát lại quy trình sản xuất
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng đề xuất, cần tăng cường kiểm soát vùng trồng, và sớm tìm ra nguyên nhân và khắc phục ngay. Ông Tùng cũng khuyến cáo nông dân bám sát quy trình, không vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các yếu tố khác, từ đó mới giúp đầu ra ổn định hơn.
Hiện bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chỉ đạo 30 lô sầu riêng tại 5 tỉnh nhiễm Cadimi phải được thu hồi hồ sơ và rà soát lại quy trình sản xuất. Nguy cơ bị ngừng xuất khẩu sẽ tác động mạnh đến uy tín thương hiệu trái cây Việt và tốc độ tăng trưởng của ngành. Bởi Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi năm 2023, nước này chi 2,2 tỷ USD để mua 493 ngàn tấn sầu riêng của Việt Nam.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9