Sông Serepok là sự gặp gỡ như một cơ duyên giữa hai dòng sông Krông Nô và Krông Ana, với những thác gềnh mang vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ.
Sông Serepok nhìn từ trên cao
Serepok là mạch nguồn của trái tim Tây Nguyên. Dòng sông này không theo qui luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác của Việt Nam, mà chảy ngược từ Đông sang Tây.
Hơn một trăm năm trước, năm 1905, nhà khoa học thực địa Henri Maitre khi du khảo dòng sông Krông Nô đã viết: “Sông phát nguyên từ các hoành sơn dãy Tieu Yang Long, được người bản địa gọi là sông Dak Krong Thin và hầu như chỉ là một đường trũng rối rắm chen giữa các vách núi cao”.
Ngày nay, con sông Krông Nô là đường phân giới tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Sông Krông Nô từng được người M’nông gọi là Krông Kéa. Trên dòng chảy của mình, Krông Nô còn nhu nhận thêm hàng loạt các nguồn nước của các dòng Rsai, Rieô, Teung, Ya Preuk v.v… để chuyển mình thành một con nước đích thực của đại ngàn cao nguyên Đắk Lắk. Với tầm vóc xứng đáng ấy, con nước Krông Nô cuồn cuộn tìm đến người bạn đời tự muôn kiếp huyền thoại của mình với tất cả tấm tình thuỷ chung và son sắt nhất, đó chính là dòng sông Krông Ana.
Sông Serepok chảy ngược ngang Buôn Đôn
Dòng Krông Ana cũng chảy từ Đông sang Tây, dài trên 215 km với diện tích lưu vực lên gần bốn ngàn cây số vuông. Huyền thoại của người Ê Đê kể rằng, ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau, vì luật tục ngăn cấm, cả hai đang đêm trầm mình xuống dòng Serepok. Ngay lúc ấy, giông tố vần vũ, sấm sét nổ tung; đầu nguồn sông Serepok lập tức xé mình thành hai con sông. Đó chính là hai dòng sông Krông Nô ở phía Nam và Krông Ana ở phía Bắc.
Krông Nô nghĩa là sông Đực, sông Cha hay sông Chàng trai, còn Krông Ana là sông Cái, sông Mẹ hay sông Cô gái. Khi hai dòng sông này hợp lưu tại Buôn Trấp, dòng Serepok lại được tái sinh.
Cưỡi voi vượt sông Serepok
Với độ dài 4 tập, bộ phim tài liệu Serepok – dòng sông chảy ngược sẽ cho ta một cái nhìn khái quát về một phần bức tranh thiên nhiên của Tây nguyên, về văn hóa lịch sử của vùng đất này cùng với những sinh hoạt cộng đồng đông đảo dân tộc thiểu số nơi đây. Đặc biệt là nền văn hóa của người M’nông và Êđê. Serepok có lẽ vẫn còn đồng vọng mãi khúc độc hành của nó trong từng ký ức, trong mỗi khuôn hình, trên bao bài ca và cả trên những trang giấy với những niềm cảm hứng bất tận trong mỗi con người đã sống ở đây hay đã một lần tìm đến. Khám phá Serepok không chỉ thấy được những điều kỳ thú của thiên nhiên mà còn chứng kiến biết bao công sức của bàn tay con người ghi dấu trên dòng sông huyền thoại này.
Phim tài tiệu “Seperok – Dòng sông chảy ngược” do TFS sản xuất phát sóng lúc 15g ngày 22, 23, 24, 25/10 trên kênh HTV9.
Thùy Trang