Tái chế, tái sử dụng: Giải pháp giảm khí thải hiệu quả

NHẬT MINH - PHONG TRẦN - PHƯƠNG TRINH// TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/12/2023, 22:30

(HTV) - Tái chế và tái sử dụng là những yếu tố góp phần đáng kể vào việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây cũng là lĩnh vực mà nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu và thử nghiệm. Một số công trình nổi bật khiến chúng ta thực sự ngạc nhiên.

Dự án “công trình tự tái chế” tại Đan Mạch

Ngành xây dựng đang là một trong những lĩnh vực chịu nhiều áp lực nhất trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại Copenhagen, Đan Mạch - nơi được vinh danh là Thủ đô Kiến trúc Thế giới của UNESCO năm 2023, các chuyên gia đang triển khai một sáng kiến với hy vọng hướng ngành xây dựng đến sự phát triển bền vững. Dự án này có tên gọi là “công trình tự tái chế”.

Tòa nhà Thoravej 29 được xây dựng vào những năm 1960 và từng là văn phòng của chính quyền thành phố Copenhagen. Trong tương lai, nó sẽ trở thành một trung tâm nghệ thuật và triển lãm.

Đan Mạch triển khai sáng kiến “công trình tự tái chế" tại tòa nhà Thoravej 29 ở thủ đô Copenhagen. Nguồn ảnh AP

Các kiến trúc sư đang cố gắng tận dụng nhiều nhất có thể những cấu trúc của tòa nhà cũ. Ví dụ như những vách ngăn có thể dùng làm cầu thang và nội thất, hay phần gạch dư ở mặt tiền có thể dùng để lát nền.

Tuy nhiên, trọng tâm chính của dự án là việc tái sử dụng những tấm sàn bê tông cốt thép hình chữ T.

Một số tấm sàn bê tông chữ T sẽ được tái sử dụng làm cầu thang và nội thất. Nguồn ảnh AP

Các công nhân tháo dỡ sàn bê tông ở một số chỗ để mở rộng không gian, nhưng vẫn tuân thủ các quy định về xây dựng nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng công trình. Những sàn bê tông tháo ra sẽ được tái sử dụng làm cầu thang, bàn ghế và nội thất.

Trong tương lai, tòa nhà Thoravej 29 sẽ trở thành một trung tâm nghệ thuật và triển lãm. Nguồn ảnh: AP

Các chuyên gia đánh giá dự án tại tòa nhà Thoravej 29 là một thử nghiệm quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành xây dựng. Việc tránh lãng phí thông qua giải pháp tuần hoàn được xem là một trong những hướng đi hiệu quả giúp ngành xây dựng giảm lượng khí thải.

Các chuyên gia cho biết trên thực tế, việc tái sử dụng đã được áp dụng tại một số công trình trước đây. Tuy nhiên, dự án Thoravej 29 được cho là sẽ thiết lập những tiêu chuẩn mới trong ngành xây dựng.

Dự kiến, công trình mới tại tòa nhà Thoravej 29 sẽ hoàn thiện vào năm 2025.

Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 29 triệu tấn lốp xe hết hạn sử dụng, đủ để bao phủ thủ đô Washington D.C của nước Mỹ.

Trước thực tế này, công ty khởi nghiệp T-Phite ở Chile đã tận dụng những lốp xe cũ để tái chế thành nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin xe điện.

T-Phite cho biết phương pháp của họ có thể góp phần xử lý những lốp xe hết hạn sử dụng và giúp quá trình sản xuất pin lithium bền vững hơn.

Các chuyên gia tại đây sử dụng phương pháp nhiệt phân trong môi trường yếm khí, qua đó thu được carbon đen. Loại carbon này sẽ tiếp tục được xử lý để tạo ra carbon cứng graphit– một thành phần thiết yếu trong cực dương của pin xe điện.

Công ty T-Phite biến lốp xe cũ thành carbon cứng graphit - một thành phần thiết yếu trong cực dương của pin xe điện. Nguồn ảnh: Reuters

Hoạt động của T-Phite có thể góp phần giải quyết hai vấn đề. Một là thải bỏ lốp xe cũ và hai là đáp ứng nhu cầu về pin xe điện ngày càng tăng. Khi thu được nguyên liệu từ rác thải, công ty này đang đóng góp vào phát triển kinh tế tuần hoàn.

T-Phite cho biết nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã ngỏ ý hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất trong tương lai.

Siêu thị tại Australia không để lãng phí bất kỳ thức ăn nào

Tại Sydney, Australia, siêu thị Greens khai trương vào tháng 8/2023 đang áp dụng nhiều giải pháp để không lãng phí bất kỳ loại thức ăn nào, cả kể những trái chuối thâm đen hoặc bị dập.

Nơi này được cho là cửa hàng lớn nhất Australia kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật với hơn 3.000 mặt hàng khác nhau.

Siêu thị Greens ở Sydney, Australia với tiêu chí không lãng phí bất kỳ loại thực phẩm nào. Nguồn ảnh Reuters

Rau củ và trái cây không còn đẹp mắt có thể được chế biến thành các sản phẩm khác nhau. Chúng được mang đi ép nước và bán với giá cả phải chăng. Với phần xác còn lại, các nhân viên sấy khô và xay thành bột làm nguyên liệu chế biến cho các món ăn, sinh tố. Với các loại bánh mì, chúng có thể được chế biến thành những món ăn khác.

Theo một báo cáo của tổ chức Food Innovation Australia (FIAL), mỗi năm Australia lãng phí khoảng 7,6 triệu tấn thực phẩm, trong đó 70% vẫn còn sử dụng được. Các loại thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất gồm rau xanh, trái cây và bánh mì. Lãng phí thực phẩm ước tính gây thiệt hại cho nền kinh tế Australia khoảng 23,3 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Rau củ và trái cây không còn đẹp mắt được ép thành nước và chế biến thành bột. Nguồn ảnh: AP

Ngoài việc tổn thất chi phí, thực phẩm dư thừa cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Theo một báo cáo năm 2021 của Chương trình Môi trường LHQ, lượng khí thải toàn cầu từ thực phẩm dư thừa chiếm đến 10%.

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng điều này là không thể chấp nhận được. Tổ chức từ thiện Foodbank của Australia cho biết khoảng 3,7 triệu hộ gia định tại nước này gặp khó khăn trong việc đảm bảo bữa ăn hằng ngày.

Sau 3 tháng đầu tiên hoạt động, những người chủ của siêu thị Greens cho biết họ rất hài lòng vì việc tái sử dụng thực phẩm chiếm đến 20% doanh thu hoạt động của siêu thị.

Hiện tại, họ vẫn đang tập trung vào siêu thị, nhưng họ cho biết đang có kế hoạch mở hai nhà hàng nằm sát bên. Đây sẽ là nơi phục vụ những món ăn được chế biến những nguyên liệu tái sử dụng.

Tái chế và tái sử dụng là những yếu tố góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường. Các hoạt động tái chế và tái sử dụng không chỉ tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên mà còn giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Hành động nhỏ của mỗi cá nhân trong việc thay đổi thói quen sẽ đóng góp rất lớn vào những nỗ lực bảo vệ Trái Đất.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: