Chương trình đã mang đến những chia sẻ, những câu chuyện nghề giúp các bạn trẻ đang học tập, làm việc trong lĩnh vực báo chí nâng cao chất lượng và đưa các sản phẩm truyền hình, phim tài liệu đến gần hơn với khán giả.
Nhà báo Tấn Tài - Gương mặt quen thuộc của HTV trong nhiều năm
Chuyển đổi số đang triển khai rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực, báo chí cũng không ngoại lệ. Trong thời buổi các nền tảng xã hội đang dẫn đầu xu hướng truyền thông, báo chí cần có một sự chuyển mình mạnh mẽ và sáng tạo. Đây cũng là nội dung của talkshow “Cho ai - Để làm gì - Và như thế nào” do Chi đoàn Trung tâm tin tức Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hoạt động ý nghĩa này là công trình thiết thực của tuổi trẻ HTV chào mừng Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Con người là yếu tố tiên quyết
Trước câu hỏi về cuộc cạnh tranh giữa báo chí và các nền tảng mạng xã hội, Nhà báo Lê Kiều Nga - Phó Giám đốc Trung tâm tin tức, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ở bất cứ nền tảng truyền thống hay hiện đại, yếu tố con người vẫn là tiên quyết. Chỉ cần vượt qua giới hạn chính mình bằng sự nhiệt huyết, sức sáng tạo và cả sự dấn thân.
Nhà báo Lê Kiều Nga - Phó Giám đốc Trung tâm tin tức, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc tọa đàm
Yếu tố con người nằm ở phương diện vừa là nhân vật trong mỗi bản tin, phóng sự truyền hình vừa là đội ngũ ekip từ MC, phóng viên với một hình ảnh tác phong chuyên nghiệp phù hợp với nhân vật phỏng vấn và bối cảnh hiện trường để qua đó truyền tải được những câu chuyện, hình ảnh đẹp, thông tin hay và hấp dẫn đến với công chúng.
Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Lê Kiều Nga cũng nhấn mạnh: " Ngôn ngữ hình ảnh hoàn toàn độc lập; tự nó cất lên tiếng nói của riêng nó mà không cần bất cứ một hình thức bổ trợ nào, tất nhiên đi liền với nó phải là âm thanh."
Viết cho ai? Để làm gì? Như thế nào?
Lời dạy này của Bác Hồ chính là kim chỉ nam trong mọi thời đại mà mỗi nhà báo cần đặt trước ngòi bút của mình. Đối với đạo diễn trẻ Lan Nguyên, Ban Giám khảo quốc tế Liên hoan phim tài liệu quốc tế BBK DOC, cô đã trăn trở về câu hỏi “Cho ai, Để làm gì và Như thế nào?” suốt 5 năm từ khi bắt đầu thực hiện bộ phim tài liệu “Màu cỏ úa” về nhạc sĩ Trần Tiến. Xuất phát điểm là sinh viên ngành Kiến trúc, việc làm phim, nhất là phim tài liệu về nhân vật sẽ là câu chuyện dài từ những điều không thể.
Đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ về phim "Màu cỏ úa"
Nữ đạo diễn chia sẻ: “Khi mới bắt đầu thực hiện, tôi nhận được rất nhiều lời chê về nội dung và nhân vật, đại khái là như bây giờ ai còn nghe thể loại nhạc của ông nhạc sĩ này nữa đâu, và có rất nhiều ý kiến khác. Nhưng đến khi phim được công chiếu, tôi thực sự bất ngờ khi thấy có rất đông các bạn trẻ theo đuổi phong cách Hip-hop rất hiện đại, đến xem bộ phim của mình. Qua hôm sau tôi thấy các bạn ấy dẫn người thân theo cùng nữa. Lúc đó tôi nhận ra không có gì là không thể, không có ai là không thuộc về, quan trọng là chúng ta làm cách nào đó để hướng khán giả đến gần hơn với tác phẩm của mình. Muốn như thế cần sự kiên trì”.
Năm năm theo đuổi một nhân vật, di chuyển qua các tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng - những nơi in dấu chân du ca của nhạc sĩ Trần Tiến. Kết hợp cùng tông trắng đen hoài niệm, thì Trần Tiến qua ống kính của Lan Nguyên lúc điềm đạm sâu sắc, lúc gần gũi, bỗ bã như một người chú thân quen. Nhưng chính nhờ vào sự kiên trì, niềm đam mê cũng như mang món quà tri ân tài năng, những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam từ vị nhạc sĩ mà cô yêu mến đã giúp nữ đạo diễn hoàn thành bộ phim tài liệu này và nhận được rất nhiều hưởng ứng tích cực và đón nhận từ khán giả.
Và khai thác như thế nào trong kỷ nguyên số?
Trong thời buổi các nền tảng mạng xã hội lên ngôi, bất cứ ai cũng có thể trở thành người đưa tin, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể xem những tin tức mới lạ, kịp thời. Bên cạnh những tiện ích đó là những hệ lụy vẫn đang diễn ra. Tin giả, clip câu view, bài viết kích động,... vẫn len lỏi nhanh chóng và rộng rãi như cách nó xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là tin tức truyền hình ở vị trí nào trong bức tranh chung đó. Báo chí xưa nay có nhiệm vụ và chức năng quan trọng nhất là đưa tin, nhưng trong thời buổi hiện nay lại phát huy mạnh mẽ vai trò là công cụ kiểm chứng, xác thực thông tin.
Nhà báo Tấn Tài - Gương mặt quen thuộc của HTV trong nhiều năm
Nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài chia sẻ rằng, người làm báo cần phải có kỹ năng để đảm bảo nội dung khai thác về tính chính xác, nhanh chóng, kịp thời, nhưng cũng phải rất cần chú ý đến cảm xúc, sự nhạy cảm trước những chuyển động nhỏ của cuộc sống. Từ đó mới có thể nhìn ra những khía cạnh mới, lát cắt lạ mà khai thác, thu hút người xem.
Suốt hơn 15 năm làm nghề, anh vẫn luôn tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm của mình nhờ dấn thân, va chạm từ những sự kiện, vấn đề lớn nhỏ trong đời sống hằng ngày. “Sẽ có rất nhiều câu chuyện được khai thác và cần “một sợi chỉ đỏ” để có thể kết nối các câu chuyện với nhau đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Sợi chỉ đỏ đó chính là cảm xúc, là rung động của người làm báo theo một cách sáng tạo”, anh bộc bạch.
Bên cạnh công việc là một phóng viên, biên tập viên, nhà báo Tấn Tài còn là chủ nhân của những clip đạt triệu view trên các nền tảng. Tận dụng sự phát triển của mạng xã hội, anh đã sáng tạo đưa những vấn đề thời sự, những thông tin bổ ích tiếp cận gần hơn với công chúng dưới hình thức mới. Đó là những tin tức về đời sống hàng ngày, những thông báo từ các sở ban ngành hay những câu chuyện của các nhân vật.
Nhân vật nhân viên vệ sinh trong clip triệu view
Ít ai nghĩ rằng, clip người công nhân tâm sự về chuyện đời chuyện nghề từ dưới cống rãnh đạt 6 triệu view đến thời điểm này. Đây là một câu chuyện được anh khai thác trong quá trình tác nghiệp thực hiện đề tài Gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hay như trong tâm dịch, hình ảnh cô bé đứng ở lan can hát bài hát “ I love Vietnam” đã làm lay động hàng triệu trái tim. Chính những kỹ năng cùng sự nhạy bén sáng tạo, nhà báo Tấn Tài đã đưa những thông tin thời sự hay những góc khuất ít ai thấy đến gần hơn với công chúng.
"Thời hoàng kim" của báo chí nói chung và các chương trình truyền hình nói riêng sẽ còn mãi và rực rỡ hơn nữa nếu chúng ta luôn học hỏi, luôn cập nhật và chủ động sáng tạo đổi mới song hành nội dung lẫn hình thức phù hợp với thời đại và đối tượng khán giả" là kinh nghiệm quý mà nhà báo Tấn Tài chia sẻ.
Các phóng viên, biên tập viên trẻ cùng chụp hình với hai diễn giả
Nhà báo Lê Trường Giang, đại diện ban tổ chức talkshow chia sẻ: Chương trình tọa đàm "Cho ai, Để làm gì và Như thế nào?" là một dịp để các nhà báo, phóng viên trẻ và các bạn sinh viên ngành báo chí được lắng nghe những câu chuyện, những chia sẻ từ hai diễn giả. Qua đó trong mỗi cá nhân sẽ tự rút ra cho bản thân các góc nhìn về nghề báo chí, nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như sự đam mê với báo chí truyền hình".