(HTV) - Các chuyên gia nhận định: tình trạng bỏ bê, thiếu sự giao tiếp và chăm sóc phù hợp trong giai đoạn đầu đời của trẻ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất, tâm lý và nhận thức của trẻ.
Buổi giao lưu, giới thiệu sách "Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó - Ngăn ngừa và chữa lành sang chấn tâm lý ở trẻ em - từ gia đình đến xã hội" vừa diễn ra tại Đường sách TP.HCM. Chương trình có sự tham gia của các khách mời: TS. Nguyễn Đức Nhật - Nhà Tham vấn và Giám sát Lâm sàng, ThS. Đào Thị Thu Hương - Bác sĩ Nội trú, Chuyên khoa Tâm thần Nhi, ThS. Nguyễn Tú Anh - Nhà thực hành Tâm lý trong lĩnh vực Trẻ em & Làm Cha mẹ.
Lâu nay, nhiều người vẫn tin rằng trẻ em không thực sự hiểu biết nhiều về những sự kiện xảy ra xung quanh mình, và do đó, những biến cố đối với các em sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, những trải nghiệm tiêu cực trong thời thơ ấu như bị bỏ bê, lạm dụng, bạo lực… có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của các em sau này.
Tại một buổi giao lưu gần đây, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng trong những năm đầu đời, não bộ của trẻ phát triển rất nhanh. Nếu trẻ không nhận được sự chăm sóc và tương tác phù hợp, các em có thể đối mặt với nhiều vấn đề về nhận thức, hành vi, và sức khỏe sau này.
Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Thị Thu Hương, chuyên khoa Tâm thần Nhi, chia sẻ: “Những sang chấn, dù nhỏ nhưng lặp lại hàng ngày trong suốt thời kỳ thơ ấu, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ. Một ví dụ trong sách đã nói, bộ não của một đứa trẻ bị nuôi trong chuồng chó giống như bộ não của người già mắc Alzheimer, do trẻ không có cơ hội học tập, giao tiếp hay nhận được những cử chỉ yêu thương.”
Cuốn sách, được thực hiện trong suốt hai năm bởi First News - Trí Việt và Tiến sĩ Đức Nhật, với mục tiêu nâng cao nhận thức về tác động của sang chấn tâm lý ở trẻ em. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên và những người làm công tác chăm sóc trẻ em đối với sức khỏe tâm thần của các em. Sách gồm 12 chương, 619 trang, không chỉ mang lại kiến thức mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong buổi giao lưu, các chuyên gia cũng dành thời gian để giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc chữa lành cho trẻ em gặp sang chấn. Trong một số trường hợp, thuốc có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị, nhưng chỉ nên áp dụng khi thật cần thiết.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc chăm sóc trẻ em toàn diện, cả về thể chất và tinh thần, đòi hỏi sự hợp tác từ gia đình, nhân viên chăm sóc, bác sĩ, nhà tâm lý, giáo dục và cả cộng đồng. Mấu chốt không phải ở việc ngăn chặn tổn thương đến với trẻ, mà là làm sao cho trẻ cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc, và bảo vệ – nền tảng của mọi sự phát triển lành mạnh.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9