Tăng cường xuất khẩu vào những thị trường đối tác chiến lược toàn diện

NGỌC QUÍ - HỒNG DIỄM - THIỆN TÙNG - THÁI PHƯƠNG - ANH DUY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/1/2024, 21:00

(HTV) - Rõ ràng không ít doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận các thị trường ngoài mới. Trong đó, cơ hội mở ra từ 3 thị trường Việt Nam đã tiến tới đối tác chiến lược toàn diện: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ là không nhỏ.

Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của TP. HCM giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn

Trên thực tế, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chưa cao. Cụ thể, hàng Việt Nam xuất sang Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ chiếm 2,7% và 3,3% trong tỷ trọng của 2 nước. Riêng với thị trường đông dân Ấn Độ, con số này chỉ khoảng 1,8%. Năm 2024 này, khi rủi ro thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn khá cao do những bất ổn địa chính trị còn phức tạp, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của TP.HCM giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.

Doanh nghiệp dệt may đã đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện đang là một trong 5 quốc gia nhập khẩu hàng dệt may nhiều nhất trên thế giới. Do đó, ngoài thị trường truyền thống như Mỹ hay châu Âu, ngay từ những năm 2009 - 2010, doanh nghiệp dệt may đã đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Đến nay, thị trường này đang chiếm 35% giá trị xuất khẩu hàng năm của doanh nghiệp. Nhờ đa dạng danh mục đối tác xuất khẩu như vậy, mà doanh nghiệp phần nào giảm thiểu ảnh hưởng do khó khăn từ các thị trường truyền thống.

Doanh nghiệp Việt cần gì để chinh phục thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ?

Ông Nguyễn Đăng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) chia sẻ ''Thị trường Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính. Ban đầu họ đến họ làm việc với mình thời gian rất lâu, tìm hiểu rất là kỹ. Nhưng khi họ quyết định mua hàng của Bidrico rồi thì nguồn hàng xuất khẩu rất ổn định. Việc này cũng kéo theo ngày càng mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia khác khi họ biết chúng tôi đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản''.

Đối với Công tu Gỗ Liên Minh, khi các thị trường truyền thống như Mỹ, Châu Âu giảm tiêu thụ do sức ép lạm phát và bất ổn địa chính trị khu vực, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và đẩy mạnh quảng bá tại các thị trường mới, đặc biệt là thị trường đông dân hàng đầu thế giới: Ấn Độ.

Ông Đặng Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh cho biết ''Ngành nội thất, họ đứng thứ 4 về tiêu thụ nội thất của thế giới. Riêng về sản phẩm gỗ, năm 2023, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu gỗ qua Ấn Độ tăng 300%. Tương lai nữa, Ấn Độ đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đó là thị trường khá lớn''.

Cơ hội và thách thức khi xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước khác

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc khai thác hiệu quả các thị trường còn nhiều dư địa như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ, sẽ góp phần quan trọng vào cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

 

Ý kiến của bạn: